Những bàn tay gieo hạt lành trên lối về của người lầm lỗi
Xác định việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn dân cư là trách nhiệm là yêu cầu đòi hỏi trong công tác quản lý xã hội, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, bằng những việc làm cụ thể có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Những năm qua, công tác giúp đỡ, giáo dục người quản lý người lầm lỗi luôn luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội huyện Bình Lục quan tâm, tạo được chuyển biến tích cực.
Là một lãnh đạo huyện nhiều tâm huyết, trách nhiệm với lĩnh vực này, ông Chu Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục chia sẻ: Để giúp đỡ những người một thời lầm lỗi, chúng tôi xác định làm tốt công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, bởi làm tốt công tác này sẽ góp phần giữ vững được trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với đó, huyện Bình Lục cũng giao trách nhiệm cho công an huyện là cơ quan nòng cốt, tham mưu cho UBND huyện làm tốt công tác kiểm tra, phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn, nếu có biểu hiện tái phạm, để ngăn chặn kịp thời các tình trạng tái phạm sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội vay vốn để tạo điều kiện giải quyết việc làm, để giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, quan tâm đến việc xây dựng các điển hình và nhân rộng điển hình để công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ đạt hiệu quả cao.
Phần lớn những người lầm lỗi khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập. Một trong những giải pháp hết sức quan trọng giúp cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, đó là công tác đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm và đây được ví như những bàn tay gieo hạt lành trên lối về của người lầm lỗi.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: Để giúp họ có việc làm và thu nhập khi trở về với cộng đồng, Sở đã tổ chức thực hiện tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng hoàn thành chấp hành án phạt tù về địa phương để tái hòa nhập với cộng đồng. Phối hợp các công ty, doanh nghiệp tìm việc làm cho các đối tượng sau khi được học nghề.
Từ năm 2014 đến nay, các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm trong tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 321 người lầm lỗi, đã giới thiệu cho 307/321 người tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Trong năm năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho 1.053 trường hợp người đã một thời lầm lỗi. Cùng với đó, các ngân hàng Chính sách tổ chức tín dụng xã hội trên địa bàn đã cho 1.217 hộ gia đình có người lầm lỗi vay 3 tỷ 250 triệu đồng tiền vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có hơn hai nghìn trường hợp người lầm lỗi tiến bộ rõ rệt, bền vững, trong đó có trên 500 trường hợp tiến bộ tiêu biểu.
Sau những lỗi lầm của mình, những người lầm lỗi đã thực hiện xong án phạt tù được trở về với gia đình và xã hội, họ đều xác định cho mình một lối về đúng đắn. Trên hành trình thiện lương ấy, bên cạnh họ luôn có những bàn tay nâng đỡ, sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh, động lực để họ tự tin hơn trên con đường tìm lại chính mình.
Đó là những người chiến sĩ khu vực tận tụy hết lòng vì công việc, hằng ngày, hằng giờ bám sát địa bàn, trăn trở, miệt mài tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ những người một thời lầm lỗi vượt qua được mặc cảm, vươn lên trở thành những công dân tốt. Những Giám đốc công ty, doanh nghiệp sản xuất giàu lòng nhân hậu, là gia đình, dòng tộc, bà con lối xóm, bằng sự cảm thông, bằng tình yêu và niềm tin tưởng, họ đã một lần nữa mang lại ánh sáng của cuộc đời cho người lầm lỗi.
Để giúp một người lầm lỗi trở về với nẻo thiện, cùng với bàn tay dìu dắt của người thân trong gia đình, sự động viên về tinh thần của những người xung quanh thì sự giúp đỡ của những cơ sở sản xuất, các công ty cũng là điều vô cùng quan trọng. Nhờ đó nhiều người lầm lỗi đã tích cực tham gia phát triển kinh tế; không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ những người khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của những người đã một thời lầm lỗi, bà Lê Thị My, Chủ tịch HĐQT Công ty Khai thác đá Vĩnh Sơn, Tân Sơn, luôn mở rộng cánh cổng của công ty để nhận và giúp đỡ họ có thêm cơ hội để làm lại cuộc đời bằng cách tạo việc làm và thu nhập cho họ. Từ nhiều năm nay, Công ty đã tiếp nhận một số người có quá khứ lầm lỗi vào làm việc, giúp họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.
Trong số những người có chung hoàn cảnh được nhận về làm việc tại công ty của bà My, có vợ chồng anh Đỗ Văn Tính là trường hợp đặc biệt. Sau mãn hạn tù trở về, kinh tế gia đình anh gặp khó khăn, vợ anh cùng bốn người con không có việc làm ổn định. Anh Tính còn nhớ, ngày ấy nghe thấy Công ty của cô My thông báo có nhu cầu tuyển lao động, tôi đã mạnh dạn đến xin việc, không ngờ Ban Giám đốc Công ty không những nhận tôi vào làm ở mỏ đá mà còn nhận luôn cả vợ và bốn con tôi vào làm tại xưởng may và mỏ đá của công ty. Vài năm sau, Công ty còn giúp đỡ gia đình tôi toàn bộ số đá để gia đình tôi cất được ngôi nhà kiên cố.
Chỉ với lý do thật giản dị của bà My rằng: "Nếu như ai cũng kỳ thị, xa lánh, doanh nghiệp nào cũng khép chặt cánh cửa đối với người lầm lỗi thì chắc chắn nhiều người lầm lỗi sẽ khó có thể đứng dậy để làm lại cuộc đời… Tôi hiểu, có lẽ vì thế mà những người từng một thời lầm lỗi được về làm việc trong công ty khai thác đá Vĩnh Sơn đã tích cực lao động sản xuất, vượt khó vươn lên xây dựng kinh tế gia đình có thu nhập khá và ổn định".
Tình yêu thương là sợi dây gắn kết
Trên hành trình về với thiện lương của mỗi người từng một thời lầm lỗi, họ luôn cần có gia đình bên cạnh, do đó không thể phủ nhận vai trò của gia đình người thân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi.
Nói về vấn đề này, bác Bùi Quang Định, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, không ngần ngại chia sẻ những nỗi niềm và kinh nghiệm: "Tôi là một người cha có con từng lầm lỗi, khi cháu mới vào trại giam gia đình tôi ai cũng buồn, nhất là mẹ cháu, nhưng tôi nghĩ mình là trụ cột trong gia đình, nếu mình không vững vàng thì không biết con trai mình sẽ trông cậy vào ai để sửa sai".
"Bằng tất cả tấm lòng của một người cha sống vì con và cho con cũng là trách nhiệm với xã hội, tôi cũng đã phải trải qua nhiều những khó khăn để giúp con nhận ra sai lầm, sửa chữa sai lầm và trở thành người có ích. Từ những ngày cháu còn ở trong trại, tôi thường xuyên vào thăm và động viên tinh thần cháu phải cải tạo tốt, chấp hành nghiêm các nội quy của trại và ngày trở về cũng đã đến. Cả gia đình tôi mừng mừng, tủi tủi đón cháu về. Hằng ngày, nhìn cháu buồn buồn, ngại giao tiếp với mọi người mà lòng tôi đau nhói", bác Định tâm sự.
Tôi không nản trí, nghĩ là con được về với mình là mình còn con, tôi luôn gần gũi, động viên làm bạn với cháu để cháu bớt tự ti, dần dà cho cháu đi làm thợ sơn, thợ xây cùng anh em để cháu nguôi ngoai và hòa nhập với cuộc sống. Đến nay, cháu đã đi làm ổn định, có thu nhập và vui vẻ trở lại, gia đình tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Mỗi người trở về đều có một quá khứ không vui của một thời lầm lỗi nhưng điều quan trọng là họ biết đứng dậy để vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Anh Trần Tiến Cường ở tổ 6, phường Hai Bà Trưng, người đã từng một thời trượt dài cùng ma túy. Bản thân anh và gia đình những tưởng anh sẽ không bao giờ đứng dậy được, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các đồng chí cảnh sát khu vực, của người mẹ tảo tần cùng người vợ thảo hiền luôn bên cảnh để động viên, giúp đỡ anh nhìn thấy sự quý giá của cuộc sống đời thường nên giờ đây không những anh đã từ bỏ được ma túy, mà anh đang cùng vợ quản lý cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho thu nhập khá.
Là một trong những người lầm lỗi còn trẻ tuổi được trở về địa phương, anh Lê Văn Sỹ, thôn Thanh Bồng, xã Thanh nghị, huyện Thanh Liêm đã nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội giúp anh được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, có việc làm và thu nhập đã giúp anh sớm ổn định cuộc sống gia đình.
Anh Sỹ còn nhớ: "Năm 2016, tôi được giảm tha trước thời hạn trở về với gia đình, sau khi trở về địa phương, tôi cũng có một chút mặc cảm tự ti, sợ anh em bạn bè xa lánh. Nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự gần gũi động viên chia sẻ của bố mẹ và người vợ trẻ, tôi đã dần lấy lại được bình tĩnh và hòa đồng với xã hội. Tôi đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, tôi cũng thành lập tổ đội nhận các công trình lăn sơn".
Bây giờ, anh Sỹ đã có cuộc sống gia đình ổn định, gia đình có hai đứa con ngoan. Thu nhập hằng năm của gia đình từ chăn nuôi lợn và công việc làm xây dựng của tôi cho thu nhập từ 150-200 triệu/năm.
Có lẽ không có phần thưởng nào cao quý hơn dành cho những người lầm lỡ bằng niềm tin tưởng của gia đình, bà con và cộng đồng xã hội. Được thấy những trang trại, những mảnh vườn, những cơ sở kinh doanh… của họ, chúng tôi hiểu thành quả đó ngoài sự phấn đấu vươn lên của bản thân của người lầm lỗi còn có từ tâm sức của những người cha, người mẹ, người vợ, sự tin tưởng của bà con lối xóm, các công ty, cơ sở sản xuất.
Để báo đáp ân tình những người đã tin tưởng, yêu mến mình vô điều kiện, những người một thời lầm lỗi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã chứng minh bằng việc làm chân chính với niềm tin và hy vọng sẽ đem lại cho con người ta sự ổn định bền vững bằng những thành quả mình đạt được.