Thành lập các khu cách ly tập trung, mở rộng đối tượng cách ly, tổ chức các đội tư vấn mùa dịch... là một trong số những giải pháp các trường đại học thực hiện để hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Mở rộng khu cách ly, thực hiện các gói an sinh
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, ngay sau khi sinh viên quay trở lại học trực tiếp, các trường đại học đều lên phương án cụ thể để ứng phó với Covid-19.
Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong hơn 2 tuần đầu đón sinh viên quay trở lại, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên khá nhanh, với khoảng trên 60 ca mỗi tuần và bắt đầu có xu hướng “giảm nhiệt”.
“Sinh viên khi test kết quả dương tính nếu có nguyện vọng thì nhà trường sẽ bố trí vào ở trong khu cách ly. Ban đầu khu cách ly của chúng tôi chỉ mở một tầng, nhưng sau đó phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu thực tế”, ông Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, đối với những sinh viên F0 mà chủ nhà trọ không đồng ý cho các em ở, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đồng thời hỗ trợ điểm cách ly theo chính sách tương tự.
“Thời điểm này, số sinh viên ở ngoài xin vào cách ly nhiều hơn số sinh viên mắc Covid-19 trong ký túc xá”, ông Nghĩa thông tin thêm.
Đặc biệt, để các F0 ổn định tâm lý, nhà trường cũng hỗ trợ mỗi sinh viên 1 triệu đồng; tiến hành cấp phát thuốc điều trị miễn phí, phục vụ cơm tận phòng. Đội ngũ cán bộ y tế cũng được bố trí túc trực 24/24 để xử lý các tình huống phát sinh khi cần thiết.
PGS, TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: Nhà trường đã tổ chức bộ phận y tế Trường trực ban liên tục, hỗ trợ sinh viên từ việc phát hiện bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như đảm bảo hỗ trợ các nhu yếu phẩm, thuốc men đối với các trường hợp sinh viên thuộc diện F0 có nhu cầu.
Đại học Nội vụ Hà Nội cũng tổ chức một khu ký túc xá dành riêng cho các trường hợp sinh viên mắc bệnh nhưng khó khăn trong việc cư trú, cách ly. Ngoài ra, các phòng ban và giảng viên của trường cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh, về các quy định phòng, chống dịch, yêu cầu sinh viên và giảng viên nghiêm chỉnh chấp hành.
“Tinh thần của trường là bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của viên chức, giảng viên, người lao động và sinh viên. Tạo mọi điều kiện cho việc dạy và học tốt nhất”, ông Chiến cho hay.
Tại Trường Đại học Thương mại, công tác hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được đặc biệt lưu tâm. Ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông cho hay: Nhà trường đã bố trí 2 tầng thuộc khu ký túc xá dành riêng cho F0. Diện đối tượng bao gồm cả sinh viên ở trọ bên ngoài và những sinh viên ở Hà Nội nhưng gia đình không đủ điều kiện cách ly. Ngoài ra, Trường Đại học Thương mại cũng hỗ trợ thuốc men và có đội hỗ trợ mua nhu yếu phẩm cho các sinh viên có nhu cầu.
Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, đại diện nhà trường và các đội sinh viên tình nguyện đã tổ chức đi đến tận nhà trọ của các sinh viên F0 để phát “Gói an sinh” bao gồm nhu yếu phẩm, thuốc men. Ngoài ra, mô hình “Đi chợ giúp bạn” cũng được triển khi với sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên nhằm hỗ trợ mua thực phẩm cho các trường hợp đang bị cách ly.
“Riêng với gói an sinh, hiện tại đã có trên 200 sinh viên nhận được quà từ trường”, ông Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và truyền thông Đại học Mở Hà Nội thông tin.
Linh hoạt lịch học, chăm sóc sức khỏe tinh thần
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch, các trường hiện cũng bố trí lịch học on-off linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, từ ngày hôm nay, 7/3, Trường đã quyết định tổ chức dạy học trực tuyến”.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương cũng cho hay: Hiện nhà trường đã bố trí các F0 học online.
“Hệ thống giảng dạy đã được tính toán từ trước nên tất cả các lớp đều đầy đủ trang thiết bị để bảo đảm phục vụ dạy kết hợp on-off”, bà Hiền nói.
Kết hợp trực tuyến và trực tiếp cũng là lựa chọn của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Theo ông Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo Trường dẫn chứng: “Như lớp tôi dạy, có đến 1/2 học sinh thuộc diện F0, F1, ngoài sinh viên học trực tiếp, các bạn này vẫn có thể theo dõi giảng viên trên lớp. Tùy theo tình hình thực tế của giảng viên và sinh viên, nhà trường có những điều chỉnh hình thức giảng dạy, bảo đảm tiến độ kế hoạch đào tạo.”
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên, linh hoạt lịch dạy và học, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên mùa dịch cũng được đặc biệt quan tâm. Bà Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương cho biết: Ngoài việc bố trí khu cách ly riêng, trường còn đồng thời kích hoạt một loạt hệ thống để hỗ trợ sinh viên mùa dịch. Nổi bật nhất phải kể đến mô hình tư vấn hậu Covid-19 để hỗ trợ các trường hợp đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn lo lắng.
“Ban lãnh đạo đã ngồi lại để phân tích và nhận định: Tâm lý là một vấn đề rất quan trọng vì các em ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh. Vì vậy, nếu sinh viên có vấn đề cần tư vấn tâm lý, Trường đều có các nhóm online, nhóm theo đơn vị với giáo viên chủ nhiệm để các em có thể chia sẻ mọi vấn đề”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đại diện Trường Đại học Ngoại Thương cho biết thêm: Trường cũng thường xuyên họp các lớp trưởng, đội nhóm để lắng nghe đề xuất thiết yếu từ sinh viên.
"Trường cũng bố trí khu ký túc xá để làm khu cách ly riêng. Tuy nhiên, số lượng vào đây không nhiều vì có hệ thống hỗ trợ tốt nên các bạn luôn cảm thấy yên tâm là luôn có người bên cạnh mình nên ở lại khu trọ", bà Hiền nhận định.