Thông tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai

NDO -

NDĐT - Ngày 25-4, tại ga Văn Phú (xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên, Yên Bái), Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đã thông tuyến dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.

Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.

Dự án này “về đích” trước thời hạn hợp đồng ở một số gói thầu từ 3 đến 6 tháng, bảo đảm thông tuyến, trả lại tốc độ chạy tàu trên toàn tuyến dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai là dự án quan trọng của tuyến đường sắt phía tây, là một phần thuộc hành lang giao thông Côn Minh – Hải Phòng. Tuyến đường sắt này trải dài 285 km theo hướng tây bắc, từ ga Yên Viên dọc theo bờ bắc sông Hồng, đến Lào Cai, biên giới Việt Nam - Trung Quốc, qua địa phận TP Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai sẽ tạo điều kiện giao lưu thương mại và phát triển kinh tế trong và giữa vùng Tây Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tiếp cận đến và đi từ cảng Hải Phòng đến Vân Nam, đặc biệt là vận tải container. Đồng thời, giảm chi phí vận tải; nâng cao an toàn giao thông; bảo đảm đủ năng lực vận tải đường sắt, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai đến năm 2020.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai được chia thành hai giai đoạn, trong đó quy mô giai đoạn một gồm: cải tuyến 4 km đường sắt có bán kính đường cong nhỏ; nâng cấp, thay ray, tà vẹt đường sắt 180 km. Dự án cũng xây dựng 10 cầu mới, cải tạo 43 cầu cũ; cải tạo, kéo dài và thêm đường ga cho 12 ga, bảo đảm đón, gửi các đoàn tàu dài; xây mới, cải tạo nhiều công trình thoát nước; gia cố bảo vệ mái ta-luy, xử lý sụt trượt một số đoạn tuyến. Quá trình thực hiện giai đoạn một, dự án được chia thành bốn gói thầu xây lắp và một gói thầu mua sắm ray, ghi.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một của dự án gần 166,5 triệu đô la Mỹ, tương đương 3.434 tỷ đồng, bao gồm: vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 60 triệu đô la Mỹ; vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 32 triệu Euro; vốn vay của Tổng vụ Ngân khố Pháp (DG Tresor) 31 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 16,71 triệu đô la Mỹ.

Tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn giao thông Đài Loan (CECI), Tư vấn giám sát là Liên danh CDM Smith - DB international (Mỹ-Đức) và Tư vấn hỗ trợ quản lý dự án độc lập là Liên danh Egis international và Egis Rail (Pháp).

Theo ông Lê Kim Thành, việc hoàn thành giai đoạn một dự án này là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển vận tải đường sắt tuyến phía tây nói riêng và hệ thống đường sắt cả nước nói chung.

Theo đó, năng lực tuyến đã được nâng lên, cho phép khai thác 23 đôi tàu/ngày-đêm trên đoạn Việt Trì – Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày-đêm trên đoạn Yên Bái – Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày-đêm trên đoạn Phố Lu – Lào Cai, xóa bỏ hầu hết các điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai.

Thông tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai ảnh 1

Ga Lào Cai.

Tới đây khi giai đoạn hai của dự án được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu năm triệu hành khách và 7,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút và cho phép nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, lập chạy tàu với tần suất cao hơn nữa trên các cung đoạn: Yên Viên – Việt Trì - Tiên Kiên - Yên Bai - Phố Lu - Lào Cai.

Dự án cũng mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng; tạo điều kiện giao lưu thương mại, thúc đẩy phát triển du lịch; giảm áp lực giao thông đường bộ. Hơn thế nữa, năng lực vận tải hàng hóa của tuyến đã tăng lên một cách đáng kể, khắc phục cơ bản tình trạng quá tải vốn đã tồn tại từ lâu trên tuyến đường sắt quan trọng này.