"Giáo dục nghệ thuật cần có hơi thở của thời đại"

 Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã phỏng vấn PGS. TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Ðại học Sư phạm nghệ thuật trung ương chung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông, cho đến bây giờ, vẫn bị coi là môn phụ?

TSKH Phạm Lê Hòa: Việc giáo dục nghệ thuật trong bậc học phổ thông đã được chú ý và ngày càng đầu tư nâng cao chất lượng trong những năm qua. Song, đúng là ở nhiều nơi, đào tạo nghệ thuật vẫn bị coi là môn phụ. Tình trạng thiếu giáo viên cho các môn nghệ thuật trong bậc học phổ thông diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương, các bậc học phổ thông trên cả nước. Ðến mức, mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phải chỉ đạo: Ở những nơi không có đủ giáo viên thì có thể huy động những nghệ sĩ đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy, nhưng không đưa người không có chuyên môn để "lấp chỗ trống" dẫn đến tình trạng chất lượng dạy học không bảo đảm đúng yêu cầu.

Chúng ta đã xây dựng được hệ thống sách giáo khoa, tập trung đào tạo, thậm chí đã bắt đầu có ý kiến cho là quá tải. Nhưng nếu đánh giá chính xác xem những gì chúng ta làm đã hoàn chỉnh chưa, thì quả là chưa ổn. Bởi thế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang chuẩn bị tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa đào tạo nghệ thuật. Tôi được Bộ bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng đánh giá lại bộ sách này. Theo đánh giá của tôi và nhiều nhà khoa học trong hội đồng, nhìn chung, bộ sách có rất nhiều vấn đề cần phải được điều chỉnh.

PV: Bộ sách mới sẽ được điều chỉnh theo hướng nào, thưa ông?

TSKH Phạm Lê Hòa: Tôi cho là phải có cuộc khảo sát lớn, để đánh giá đúng yêu cầu của thực tế, chứ các thầy không nên ngồi với nhau rồi tự nghĩ ra. Chúng ta ai cũng nói: trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, nhưng thử hỏi, chúng ta đã làm gì để biến điều đó thành hiện thực? Cá nhân tôi cho rằng, cuộc sống, con người ngày hôm nay đang chuyển động rất nhanh, một ngày của hôm nay có thể bằng mấy mươi năm trước, vì thế, cần phải xem thế hệ hôm nay đang đòi hỏi những gì, để cập nhật những kiến thức mới, đưa hơi thở của cuộc sống vào chương trình giảng dạy. Phải lắng nghe xem trẻ em hôm nay đang nói như thế nào, học cách nói của chúng, để có thể đưa những kiến thức cần thiết đến được với tâm hồn các em. Trẻ em hôm nay đang dùng một "hệ ngôn từ" khác, nếu những người làm công tác giáo dục nghệ thuật không đi sâu tìm hiểu thế giới ngôn từ đó, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em, mà cứ tự ngồi vẽ ra chương trình giảng dạy theo ý mình thì không thể đạt kết quả như mong muốn. Phải xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi. Và cũng không nên kỳ vọng đào tạo tất cả đều thành thiên tài. Chúng ta chỉ cung cấp cho các em cái nền, còn phát triển lên như thế nào là tùy vào năng lực của mỗi người.

PV: Ông vừa nhắc đến "cái nền". Nhiều ngành nghệ thuật hiện nay đang coi việc đào tạo "nền" kiến thức về nghệ thuật cho công chúng sẽ là cứu cánh, là cơ hội để nghệ thuật phục hưng và phát triển. Gánh nặng sẽ đè lên vai những người làm công tác giáo dục nghệ thuật?

TSKH Phạm Lê Hòa: Tôi hiểu ý nhà báo. Chất lượng đội ngũ giáo viên là điều chúng tôi trăn trở nhất. Chất lượng hiện nay liệu đã thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống chưa? Tôi vẫn nghĩ là vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Việc nâng cấp trường Cao đẳng sư phạm nhạc họa trung ương lên thành Ðại học sư phạm nghệ thuật trung ương vào tháng 5-2006 thể hiện sự đánh giá cao tầm quan trọng của công tác giáo dục nghệ thuật của Ðảng và Nhà nước ta. Với yêu cầu của cuộc sống hiện nay, đội ngũ giáo viên do trường chúng tôi đào tạo ra đã đáp ứng được. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tiến hành các cuộc tiếp xúc với các trường học của các địa phương để lắng nghe phản hồi về chất lượng đội ngũ giáo viên do trường đào tạo, và có những điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi xác định phải hướng đào tạo theo cái cuộc sống và xã hội cần. Hiện nhà trường đang thí điểm tiến hành biên soạn chương trình khung của ngành học đại học sư phạm âm nhạc, trong đó, sẽ có một phần chương trình "mềm" để đưa vào các nội dung mang tính đặc trưng vùng, miền. Nói một cách cụ thể hơn, theo cách giảng dạy mới này, giáo viên nghệ thuật mà chúng tôi đào tạo cho Hà Nội sẽ khác với giáo viên chúng tôi đào tạo cho Huế. Ðây cũng là cách chúng tôi áp dụng cho việc tiến hành đưa dân ca vào giảng dạy trong trường phổ thông theo chương trình do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiến hành. Với những gì chúng ta đang làm, tôi tin, chất lượng giáo dục nghệ thuật cho bậc học phổ thông sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống hiện đại.

PV: Xin cảm ơn ông.

LUÂN VŨ(Thực hiện)