Bắt đầu từ mùa giải 2000-2001, bóng đá nước ta đã có sự thay đổi theo định hướng chuyên nghiệp hóa, các ông bầu và doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia sâu vào bóng đá. Với những vai trò khác nhau, có thể là nhà tài trợ hoặc đầu tư hẳn vào một đội bóng mang tên doanh nghiệp mình, các đội bóng cũng hướng đến những mô hình câu lạc bộ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, cho dù bóng đá Việt Nam ở các cấp độ giải, đã hình thành những câu lạc bộ cùng giải đấu chuyên nghiệp, nhưng thực tế cũng chỉ đang hoạt động với mô hình và tư duy “bao cấp” quen thuộc, có khác chăng chỉ là ở hình thức và tên gọi. Nếu trước đây họ duy trì hoạt động từ ngân sách nhà nước ở mỗi địa phương thì hôm nay chuyển sang “chuyên nghiệp hóa”, họ lại được doanh nghiệp “bao cấp” với những tên gọi kiểu như “Công ty cổ phần trực thuộc” chẳng hạn và hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhà tài trợ. Và điều này đã tạo nên hệ lụy với không chỉ các đội bóng mà với cả nền bóng đá nước nhà, nhất là bóng đá đỉnh cao khi hoạt động kinh doanh hay tình hình tài chính trở nên khó khăn hoặc theo sự lên xuống thất thường của người cấp kinh phí.
Trong lịch sử Giải bóng đá vô địch quốc gia (V.League), đã có tám đội bóng đá lần lượt giải thể qua các mùa giải, bao gồm: Hòa Phát Hà Nội, Xuân Thành Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, Hà Nội ACB, Kiên Giang, Ninh Bình và Than Quảng Ninh. Phần lớn nguyên nhân đều đến từ vấn đề tài chính và có thể con số đó sẽ tăng thêm trong thời gian tới khi số phận các câu lạc bộ ở V.League vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà tài trợ chứ không phải từ sự tự chủ kinh tế và có thể kinh doanh thuần túy như nhiều câu lạc bộ bóng đá nhà nghề ở các nước trên thế giới và trong khu vực.
Việc cắt giảm kinh phí, thậm chí là “bỏ chơi” đã và đang khiến cho nhiều câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp V.League 1 lao đao trong những mùa giải trước và tiếp tục tái diễn ở mùa giải 2023/2024 này.
Hiện tại, kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp và nhà tài trợ ở nhiều ngành nghề khác nhau cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bóng đá cũng không ngoại lệ. Những khoản đầu tư không thiết yếu có thể sẽ bị hạn chế và khoản tiền đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các câu lạc bộ bóng đá sẽ được “ưu tiên” cắt giảm.
Việc cắt giảm kinh phí, thậm chí là “bỏ chơi” đã và đang khiến cho nhiều câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp V.League 1 lao đao trong những mùa giải trước và tiếp tục tái diễn ở mùa giải 2023/2024 này. Chưa đến mức bỏ giải, song tình trạng nợ lương cùng những tranh cãi kinh phí dẫn đến không ít khủng hoảng, bất ổn nội bộ các câu lạc bộ.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực duy trì đội bóng của các câu lạc bộ là điều không đơn giản với các ông bầu hoặc đơn vị, doanh nghiệp chủ quản. Trong số 14 câu lạc bộ ở V.League 1-2023/2024, có nhiều câu lạc bộ được gọi là giàu có cũng gặp khó khăn tương tự. Mặc dù vậy, không phải câu lạc bộ nào cũng tìm ra được hướng giải quyết nhanh chóng và ổn thỏa để chuyện “nợ xấu” không bị lộ ra ngoài.
Từ mùa giải trước, chuyện câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh nợ tiền cầu thủ đã xuất hiện dày đặc trên các mặt báo khi các cầu thủ đình công không chịu ra sân tập luyện.
Ở mùa giải này, chuyện nợ tiền cầu thủ lại được tung ra ngay thời điểm lãnh đạo đội bóng này tìm người thay huấn luyện viên Vũ Tiến Thành trước vòng 4. Sau đó đội bóng tạm giải ngân 5 tỷ đồng cho các cầu thủ, số tiền nợ còn lại được hứa sẽ giải quyết trong tháng 12 khi nhà tài trợ giải ngân. Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đã chơi tốt hơn sau khi các cầu thủ nhận được một phần tiền nợ.
Mới đây nhất, huấn luyện viên Velizar Popov của Đông Á Thanh Hóa, một trong những câu lạc bộ nằm trong tốp đầu của V.League 1 cũng tiết lộ câu lạc bộ đang bị nợ lương, thưởng và các cầu thủ có thể sẽ đình công nếu không được trả tiền. Lãnh đạo đội bóng xứ Thanh phải nhanh chóng xoay xở có tiền trả lương, trả thưởng thắng trận và hứa thưởng để yên lòng thầy trò ông Popov. Kết quả là Đông Á Thanh Hóa thắng trận tưng bừng, qua đó xếp nhì bảng với 11 điểm sau vòng 5.
Đáng chú ý nhất là câu lạc bộ bóng đá Khánh Hòa, trước mùa giải 2023/2024, họ từng có ý định bỏ giải vì không có kinh phí hoạt động. Và cho đến nay, đội bóng phố biển lại một lần nữa trở thành tâm điểm, khi nhiều cầu thủ kêu cứu vì bị nợ lương. Trước đó, khi mùa giải 2023 khép lại, nhà tài trợ cũ của câu lạc bộ Khánh Hòa đã tuyên bố rút lui. May mắn là khi đội bóng thành phố biển đối mặt nguy cơ phải bỏ V.League 1 thì vào phút chót một doanh nghiệp đã chấp nhận đứng ra tài trợ để họ vẫn có thể dự mùa giải mới, nhưng doanh nghiệp này cũng tuyên bố không có trách nhiệm phải giải quyết các khoản nợ từ trước tháng 10 của nhà tài trợ cũ.
Lý do dẫn đến những bất ổn nêu trên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời gian qua đến từ thực tế đầu tư cho bóng đá ở nước ta chỉ có lỗ chứ chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Sau những lời hứa, cho đến lúc này, các cầu thủ Khánh Hòa vẫn chưa được trả lương tháng 9 do nhà tài trợ cũ khó khăn, chưa thể thanh toán. Điển hình trong các câu lạc bộ là Hoàng Anh Gia Lai, sau hơn 20 năm hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, đội bóng “phố núi” của bầu Đức hiện đã phải gắn thêm tên nhà tài trợ LPBank để có thể duy trì hoạt động.
Lý do dẫn đến những bất ổn nêu trên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời gian qua đến từ thực tế đầu tư cho bóng đá ở nước ta chỉ có lỗ chứ chưa thể tạo ra lợi nhuận. Khoản lỗ quá nhiều và khó khăn buộc các doanh nghiệp, nhà tài trợ dưới góc nhìn kinh doanh sẽ phải điều chỉnh, cắt giảm chi phí. “Sân chơi” bóng đá ngốn rất nhiều kinh phí và nếu không bảo đảm đủ sẽ rất khó làm. Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, mỗi câu lạc bộ phải bảo đảm được kinh phí hoạt động ít nhất 35 tỷ đồng mỗi năm mới đủ điều kiện dự V.League.
Đó là với quy chế, còn với những câu lạc bộ lớn, để có thể hoạt động, duy trì thành tích, con số đó đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với kinh phí lớn như vậy và có thể duy trì hoạt động, phát triển bền vững, đã đến lúc các câu lạc bộ thật sự phải có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại khi cân nhắc vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại hay tập trung vào cầu thủ trong nước, nâng cao chất lượng chuyên môn, tìm cách thu hút khán giả đến sân, xây dựng hình ảnh để khai thác các nguồn tài trợ, quảng cáo.
Về lâu dài, họ cần có chiến lược để từng bước tự chủ, có thể kinh doanh, sống được bằng bóng đá, chứ không thể giữ mãi lối tư duy phụ thuộc. Nói thì như vậy, nhưng không phải dễ dàng và con đường chuyên nghiệp hóa với từng câu lạc bộ và với bóng đá Việt Nam nói chung còn khá gian nan.