Ngày 5/4, đoàn công tác do Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra, khảo sát công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Đồng Tháp.
Giai đoạn từ năm 2013-2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội với gần 1.500 cuộc. Hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao về chất. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng nông thôn mới; thực hiện Luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân…
Đoàn công tác đã kiểm tra, làm rõ thêm một số nội dung về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; việc giám sát những vụ việc bức xúc, nổi cộm, tác động lớn đến đời sống người dân; kinh phí bảo đảm cho công tác giám sát, phản biện xã hội; việc phát huy các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn vào công tác giám sát, phản biện xã hội.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội một vài nơi ở Đồng Tháp chưa phát huy rõ nét, nhất là chức năng phản biện xã hội. Nhiều địa phương chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân đối với đảng viên về tham gia sinh hoạt nơi cư trú.
Trước thực trạng nhiều đơn vị, địa phương chưa tổ chức công tác phản biện xã hội, và cho rằng việc tổ chức công tác này gặp nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội rút kinh nghiệm trong công tác này. Cái gì khó thì chúng ta tổ chức thực hiện thí điểm. Cấp huyện chủ động tổ chức các buổi phản biện xã hội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thí dụ, TP Cao Lãnh có thể làm buổi phản biện về công tác quy hoạch, hay huyện Tháp Mười thực hiện công tác phản biện liên quan đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tác động đến thu nhập của người dân như thế nào…
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, các ý kiến tại buổi làm việc là căn cứ thực tiễn quan trọng giúp cho việc xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Đề nghị tỉnh coi công tác giám sát và phản biện xã hội là giải pháp hiệu quả, thực chất để nâng cao tính dân chủ, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Chính quyền địa phương các cấp chủ động, phối hợp và bảo đảm các điều kiện, nhất là về nhân lực và kinh phí để Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội.
“Giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Đồng thời, giám sát, phản biện nhằm mục đích xây dựng Đảng, chính quyền chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, hạn chế và không có tính xây dựng”, đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh.