Giảm cú sốc tăng giá nguyên liệu đầu vào

Năm 2022 được bắt đầu khi năm cũ đã khép lại với nhiều khó khăn, thách thức lớn chưa từng có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 đã tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Ảnh: QUANG DŨNG
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Ảnh: QUANG DŨNG

Thêm vào đó, thiên tai và bất ổn địa chính trị tại các vùng giàu nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế càng khiến cho áp lực tăng giá cả thị trường, áp lực lạm phát đã có nguy cơ lan rộng và bùng nổ. Cho tới thời điểm này, giá dầu thô trên thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng và xu hướng sẽ còn tăng mạnh khi nguồn cung bị đe dọa.

Trong điều kiện diễn biến phức tạp như vậy, nhiệm vụ bảo đảm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội được đặt ra cấp bách, trở thành nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động điều hành kinh tế-xã hội. Lúc này, vai trò điều hành của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn thị trường trở thành yếu tố quyết định. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc chủ động trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn cũng như trong cả năm 2022 là động thái quan trọng giúp Chính phủ điều hành giá linh hoạt, thận trọng.

Theo kịch bản chủ động đó, điều quan trọng nhất là Bộ Công thương- với chức năng của mình-phải chịu trách nhiệm thực hiện tốt công tác chỉ đạo, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường. Đây là yếu tố quyết định sự bình ổn của giá cả thị trường trong nước. Theo đó, cần có mối liên kết vững chắc trong chuỗi cung ứng hàng hóa liên tỉnh bảo đảm tính liên tục. Trong công tác điều phối, phải nhanh chóng cung cấp thông tin về nguồn hàng, ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh hiện tượng “đổ xô” đi mua hàng dẫn đến tăng cầu đột biến, mất kiểm soát khiến nguồn cung không thể đáp ứng ngay, gây hỗn loạn thị trường.

Bên cạnh các giải pháp cụ thể, việc điều hành chính sách tài chính-tiền tệ cũng đóng vai trò quyết định đối với ổn định mặt bằng giá. Trong đó, các giải pháp tiền tệ, tín dụng có tác dụng hỗ trợ ứng phó các cú sốc ngay lập tức. Chỉ cần có nguồn cung tín dụng dồi dào, lãi suất giảm đồng bộ với quy mô lớn, liên tục, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; sẵn sàng mua/bán ngoại tệ với tổ chức tín dụng, sẽ giúp bình ổn thị trường và kinh tế vĩ mô..., đồng thời siết chặt quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, sẽ triệt tiêu được động cơ tăng giá vô tội vạ.

Đối với chính sách tài khóa, trong các nghiệp vụ quản lý giá cả thị trường cụ thể, cần đặc biệt chú trọng quản lý yếu tố cấu thành giá, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” dù vẫn còn yếu tố bình ổn giá. Bộ Tài chính cũng đã có phương án sử dụng công cụ thuế, phí, tích cực triệt tiêu các xu hướng tăng giá hàng hóa khi vẫn còn công cụ điều hành. Vừa qua, Bộ đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi nhiều sắc thuế, trong đó có các Luật thuế rất quan trọng với nền kinh tế nói chung, với giá cả thị trường nói riêng như về thuế tài nguyên, đất đai, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Chỉ khi điều hành hiệu quả cả ba ngành mũi nhọn trụ cột trong bình ổn giá cả thị trường là công thương-ngân hàng-tài chính, thì mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước mới tránh được những cú sốc lớn cũng như sự biến động quá mạnh từ thị trường nước ngoài n