(Tiếp theo và hết) (*)

Giải tỏa nghịch lý thừa-thiếu vốn trong khi doanh nghiệp "khát" vốn

Bài 2: Ngân hàng trị “ế” vốn
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành dây chuyền xát trắng gạo tại doanh nghiệp Phước Hưng (Cần Thơ).
Vận hành dây chuyền xát trắng gạo tại doanh nghiệp Phước Hưng (Cần Thơ).

Doanh nghiệp “khát” vốn, mong ngân hàng giảm thêm lãi suất và hạ chuẩn tín dụng. Trong khi đó, dòng vốn lại đang ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, thể hiện qua các con số tăng trưởng tín dụng dù đã cải thiện song vẫn còn khá thấp so với mục tiêu.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 4/10/2023, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,... không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp...

Nan giải tiền “tồn kho”

“Ngân hàng đang thừa vốn, chúng tôi tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được” - đó là chia sẻ rất thẳng thắn đến từ ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) tại Bắc Ninh.

Theo ông Sáng, đến thời điểm 28/9, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn đang bị âm. Trước đó một hôm, tức ngày 27/9, ông Sáng đã phải ký 11 món xuất kho tài sản bảo đảm, hay nói cách khác là “mất đi” 11 khách hàng trong một ngày với giá trị khoảng 11 tỷ đồng.

“Đây là những khách hàng liên quan bất động sản muốn bán bớt tài sản để tránh trả lãi ngân hàng nhưng không bán được, thanh khoản không có. Đó là còn chưa kể đến doanh nghiệp không sản xuất-kinh doanh bởi hàng tồn kho nhiều, không có đầu ra cho nên phải co cụm lại, trả nợ ngân hàng để giãn, giảm chi phí. Vì vậy, dù làm việc rất tích cực, “bán” tín dụng trên tất cả các kênh, từ điểm bưu điện xã, “tung” các gói ưu đãi lãi suất, “combo” tín dụng,... nhưng lượng tăng trưởng tín dụng mới (từ đầu năm đến nay tăng 450 tỷ đồng dư nợ) vẫn không đủ bù đắp lượng khách hàng ra đi”, ông Sáng giãi bày.

Cũng theo ông Sáng, các chi nhánh của LPBank họp giao ban hằng tuần, lên kế hoạch kinh doanh từng ngày nhưng vẫn không có tăng trưởng nhiều. Nguyên nhân là bởi khả năng hấp thụ của nền kinh tế và từ phía khách hàng còn yếu; và một phần nữa là do ngân hàng còn thận trọng trong quá trình cho vay.

“Lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa bởi giảm tiếp thì ngân hàng sẽ lỗ. Hiện nay, huy động rồi cho vay, cấp margin khoảng 3,7%, trong khi còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động,..., tính ra lãi chỉ đạt 0,2-0,3%. Ngân hàng đang là tổ chức có hiệu quả kinh doanh thấp nhất”, ông Sáng trăn trở.

Thực tế, dư địa chính sách tiền tệ đang dần trở nên hạn hẹp và khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ thêm lãi suất điều hành là khó xảy ra. Trên thị trường lãi suất, bốn “ông lớn” ngân hàng khối nhà nước đã dẫn đầu đưa lãi suất huy động về mức trước dịch Covid-19, cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, trong khi các ngân hàng thương mại khác đều đưa mức lãi suất dưới 7%/năm.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đến nay, lãi suất cho vay Việt Nam đồng đã giảm bình quân khoảng 1,5-2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5-2% và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, đến ngày 29/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), riêng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực đạt hơn 1%. Tổng dư nợ cả nền kinh tế là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứng thêm cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600 nghìn tỷ đồng.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc khẳng định.

Đồng bộ giải quyết các nút thắt

Các phân tích từ nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức nghiên cứu tài chính đã chỉ ra, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ ngang với giai đoạn năm 2005.

Nhưng điều đáng lưu ý là, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như điều kiện kinh tế hiện giờ lại không bằng giai đoạn trước. Các yếu tố như thị trường tiêu thụ, nhu cầu, chi phí sản xuất,... không mấy cải thiện theo hướng tích cực đã cản trở doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Ðình Ánh, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vấn đề thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, nhất là giải quyết hàng tồn kho. Cùng với đó là giải quyết nợ xấu bởi chỉ khi tỷ lệ nợ xấu giảm thì các ngân hàng mới mạnh dạn bơm vốn ra thị trường.

Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp mong muốn ngân hàng hạ chuẩn tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhìn nhận, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là bảo đảm hài hòa an toàn vốn, ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng: “Các giải pháp này chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện tích cực nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty lớn, các doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế, kể cả các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực bất động sản, thậm chí, có thể có cơ chế tín dụng riêng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có chủ trương và giải pháp thời gian tới”.

Đáng chú ý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉ đạo về cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, thực hiện đúng các quy định cho vay và tiết giảm chi phí trên cơ sở hoạt động của mình để tăng hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động của chính ngân hàng, cũng như bảo đảm thanh khoản; tăng cường tư vấn cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp minh bạch hồ sơ, giấy tờ tiếp cận vốn cũng như tình hình tài chính; đặc biệt điều phối tăng trưởng tín dụng trong ngân hàng phù hợp.

“Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, thị trường tài chính biến động mạnh, các doanh nghiệp nên chủ động sử dụng công cụ phái sinh tỷ giá do các ngân hàng cung cấp để phòng ngừa rủi ro, đồng thời, bám sát tình hình thị trường để có những phân tích, qua đó góp phần chủ động sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19/10/2023.