Giải tỏa áp lực quản lý đất đai tại Vĩnh Phúc

NDO -

Công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang đặt ra những vấn đề mới, phức tạp; nhất là tiếp cận đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vụ việc tồn đọng, vi phạm từ trước đến nay. Vì vậy, vai trò tham mưu, chỉ đạo chuyên môn của ngành Tài nguyên và Môi trường là hết sức quan trọng.

Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó, cản trở tiến độ triển khai các dự án.
Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó, cản trở tiến độ triển khai các dự án.

Lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai

Điểm nghẽn đất đai đang là cản trở lớn nhất đối với việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các cuộc vận động tháo dỡ, cưỡng chế công trình vi phạm diễn ra căng thẳng tại hầu khắp các huyện, thành phố. Hồ sơ đất đai chất đống trong các Văn phòng Đăng ký đất đai của tỉnh, huyện. Số vụ việc vi phạm về đất đai vẫn tăng, nhất là đối với quỹ đất do các tổ chức quản lý sử dụng, bất chấp việc lãnh đạo tỉnh liên tục chỉ đạo, nhắc nhở, phê bình.

Việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi đang có dấu hiệu bế tắc. Riêng thị trấn Đạo Đức của huyện Bình Xuyên có tới gần 200 vụ việc tồn đọng và vi phạm. Theo chỉ tiêu tỉnh giao, trong năm nay huyện Tam Dương phải giải quyết dứt điểm 562 trường hợp vi phạm, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền. Việc hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm mất rất nhiều công sức, muốn khép lại một hồ sơ vi phạm phải có biên bản, quyết định xử lý, quy trình cưỡng chế với rất nhiều thủ tục. Trong khi đó, người sử dụng đất có vi phạm luôn tìm mọi cách để can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm, khiến cho công tác quản lý đất đai càng thêm khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều huyện, xã có biểu hiện chây ì, né tránh việc xử lý vi phạm. Nhiệm kỳ này “nhường” việc xử lý vi phạm cho nhiệm kỳ sau, thành ra số vụ việc tồn đọng rất lớn.

Với quyết tâm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác quản lý đất đai, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, giao chỉ tiêu xử lý vi phạm về đất đai và giải quyết dứt điểm đơn thư của dân. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã duy trì tiếp dân thường xuyên và tích cực chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, phê bình các đơn vị thực hiện chưa tốt công tác quản lý đất đai, chậm trễ trong xử lý vi phạm. Thanh tra tỉnh và thanh tra chuyên ngành cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra về sử dụng đất, về trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Giải tỏa áp lực quản lý đất đai tại Vĩnh Phúc -0
Cán bộ thị trấn Đạo Đức (huyện Bình Xuyên) bàn phương hướng xử lý các vi phạm đất đai. 

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, đáng chú ý nhất là chính sách về thưởng giải phóng mặt bằng nhanh được thể chế hóa thành Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đến nay, Sở đã thẩm định xong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của 8 trong số 9 huyện, thành phố, tham mưu với tỉnh thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho thuê đất để thực hiện 16 công trình, dự án với tổng diện tích hơn 223 ha.

Để hạn chế tình trạng chậm muộn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến người dân bức xúc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mạnh dạn thay thế một số cán bộ quản lý cấp huyện, bổ sung cán bộ có năng lực cho các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ chậm muộn cao, thành lập các tổ kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, yêu cầu viết thư xin lỗi công dân, ký lại hợp đồng lao động với toàn bộ người lao động các Văn phòng đăng ký đất đai… Nhờ đó, ý kiến phàn nàn của người dân về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất giảm đáng kể.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, một số địa phương đã có chuyển biến tích cực trong xử lý vi phạm liên quan đến đất. Nổi bật là thành phố Vĩnh Yên, các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc. Tại những địa phương này, Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp huyện nhiều lần đối thoại với những hộ dân chưa đồng tình với mức bồi thường hoặc chưa nhất trí phá dỡ công trình vi phạm.

Để công tác quản lý đất đai đi đúng quỹ đạo pháp luật

Kết quả tám tháng đầu năm 2021 cho thấy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là trở lực lớn đối với việc triển khai các công trình, dự án. Toàn tỉnh mới rà soát, xử lý được hơn 1.000 vụ việc tồn đọng và vi phạm, trong khi chỉ tiêu tỉnh giao phải xử lý dứt điểm 3.553 vụ việc. Nhiều vụ việc tiềm ẩn “ngòi nổ” mất an ninh trật tự, điển hình như vi phạm trên diện tích đất thu hồi từ Công ty TNHH Kim Long (thành phố Vĩnh Yên), vi phạm mới tại các xã Kim Long, Hướng Đạo (Tam Dương)…

Trao đổi về thách thức trong xử lý vi phạm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Tuấn chỉ ra vấn đề: Hầu hết các vụ vi phạm về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã và UBND cấp huyện. Nhiều vụ việc không thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng Sở vẫn bị chất vấn. Sở Tài nguyên và Môi trường kiên quyết không buông lỏng quản lý đất đai, không bao che vi phạm, không thoái thác trách nhiệm và sẵn sàng làm rõ mọi việc để xử lý dứt điểm vi phạm.

Thực tế xử lý vi phạm đất đai tại Vĩnh Phúc cho thấy, chính quyền cấp xã không đủ năng lực, quyền hạn, lực lượng để xử lý, còn vướng quan hệ họ hàng thân quen, do đó thời gian tới Vĩnh Phúc cần xác định trách nhiệm chính trong việc xử lý, cưỡng chế công trình vi phạm là của cấp huyện, trách nhiệm cá nhân thuộc về Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp huyện.

Để chấn chỉnh tình hình vi phạm hiện nay, cấp ủy các cấp cần cương quyết điều chuyển, cách chức, cho thôi việc, thi hành kỷ luật cán bộ yếu kém, có vi phạm về quản lý đất đai. Chừng nào còn có sự bao che, thỏa hiệp với vi phạm, chừng đó sẽ có những cán bộ, công chức và người dân “nhờn” pháp luật, thậm chí bất chấp quy định để làm sai.  ​​​