Năm 1991, kỷ niệm 500 năm, năm sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà lý học nổi tiếng của Việt Nam, người mà sau này Phan Huy Chú trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét là: "Một bậc kỳ tài, hiển danh muôn thuở". Đây là một Trạng Nguyên có nhiều giai thoại rất phong phú của nước ta và được bao phủ một lớp màn thật là bí ẩn. Dưới dây xin lược kể một vài giai thoại ấy.
Cậu bé thần đồng họ Nguyễn này khi chưa đầy tuổi, một hôm đã chỉ vào mặt trời đang mọc mà nói "Ô! Mặt trời mọc đằng Đông!".
Tại quê nội và ngoại của Trạng, khách đi thăm còn được nghe một giai thoại về những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà các vị cao niên coi là rất đúng như câu:
Bao giờ Tiên Lãng chia đôi,
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về.
Quả là Tiên Lãng có con sông đào cắt đôi huyện mới được khơi lại, và năm 1985 cũng là năm kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu phao được bắc qua sông Hàn để các đại biểu toàn quốc về thăm quê hương Trạng. Khi đó, đền Nguyễn Bỉnh Khiêm được trùng tu, một hội nghị khoa học lớn về Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức. Tên tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm được đánh giá lại (Tôi lại về!).
Nhiều cụ rất thích và tin những câu sau đây mà các cụ cho là nói về việc giải phóng Thủ đô năm 1954, sau 80 năm Hà Nội bị đặt dưới sự đô hộ của Pháp theo Điều ước Giáp Tuất 1874:
Cửu cửu kiền khôn dĩ định,
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo dương đầu, mã vĩ,
Hồ binh bát vận nhập Tràng An.(Đạo càn khôn đã định rằng 9 lần 9 là 81 năm âm lịch.
Từ tiết Thanh minh, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, quân Pháp bước vào thời kỳ tàn lụi.
Kịp đến đầu năm Mùi 1955, cuối năm Ngựa 1954.
Tám vạn quân cụ Hồ (8 sư đoàn) kéo về tiếp quản Thủ đô).
Những câu trên có in trong các sách viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm từ trước 1945 (Nhà xuất bản Đại La), cũng như có trong các bản Hán - Nôm ở Viện Viễn đông Bác cổ trước đây (chẳng hạn các bản AB444, AB345, v.v...), nên có nhiều người tin đó là lời dự báo. Điều đó cũng ngụ vào trong một vế câu đối trước đền mà nhân dân muốn nói về tài biết trước của Trạng: Lý học thâm nguyên Trình tiên giác (Trạng Trình thâm nguyên lý học biết trước các việc).
Chúng ta cũng biết thêm rằng nơi đây khi xưa, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người mà vua Quang Trung tôn làm bậc thầy, đã từng về thăm, và trong bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trạng Trình) đã xem Trạng là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (Nắm được máy huyền vi, xen vào công việc của tạo hóa). Còn Vũ Khâm Lân, tiến sĩ đời Hậu Lê, đã làm bia ở đền Trạng và nói rằng danh tiếng Trạng "như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, nghìn năm sau như vẫn một ngày".