Giải pháp quản lý thị trường vàng chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế

Thời gian qua, giá vàng ở cả thị trường thế giới và Việt Nam biến động mạnh, đưa giá vàng lên mức cao kỷ lục. Tại thị trường thế giới, giá vàng đạt cao nhất ở mức xấp xỉ 2.450 USD/ounce, tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC vượt mức 92 triệu đồng/lượng trong tháng 5.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Hà Nội mua vàng miếng. (Ảnh NGUYỄN HẢI)
Người dân Hà Nội mua vàng miếng. (Ảnh NGUYỄN HẢI)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những biện pháp bình ổn thị trường vàng trong nước, nhưng xu hướng giảm giá vẫn chưa bền vững, đòi hỏi có thêm các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như công nghệ.

Trong thị trường tài chính-tiền tệ, vàng không chỉ được biết đến như một công cụ để đa dạng hóa danh mục đầu tư mà còn là một nơi trú ẩn an toàn khi các kênh đầu tư khác chứa nhiều rủi ro. Hiện tại, giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng, cho dù giá vàng trong nước đã hạ nhiệt và mức chênh lệch với giá thế giới đã được thu hẹp.

Thu hẹp chênh lệch giá vàng

Theo chuyên gia Hà Thị Đoan Trang (Học viện Tài chính), giá vàng thế giới đầu năm 2024 đã liên tục phá các kỷ lục bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự nhạy cảm với lãi suất thị trường, với giá trị của đồng USD song hành cùng rủi ro địa chính trị gia tăng trên toàn cầu.

Đây là những động lực để các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương các nước nắm giữ vàng nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Không những thế, sự gia tăng của tổng nhu cầu vàng trên thế giới (cao nhất kể từ năm 2016) khiến sức mua tăng liên tục cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến giá vàng tăng cao, nhất là nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ cũng tăng mạnh nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực điện tử.

Điều đáng lưu ý là mặc dù giá vàng thế giới đã ở mức cao kỷ lục nhưng ở thị trường Việt Nam, giá vàng không những đạt mức kỷ lục mà còn vượt xa so với giá vàng thế giới; chênh lệch giá vàng có thời điểm lên tới hơn 20 triệu đồng/lượng. Hiện tại, sau một loạt động thái can thiệp mạnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, độ chênh lệch về giá vàng đã thu hẹp về mức thấp, giao dịch bình ổn, không có nhu cầu tăng đột biến.

Nhiều chuyên gia đồng thuận cho rằng, giá vàng thế giới tăng cùng những nguyên nhân nội tại khiến giá vàng trong nước tăng theo. Ngoài ra, nguồn cung khan hiếm do các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà chỉ được thu mua trên thị trường để sản xuất hàng trang sức.

Chính điều này dẫn đến có sự thao túng giá vàng không thể kiểm soát bởi khi nguồn cung thắt chặt, được tiếp sức bởi xu hướng giá vàng thế giới tăng, sẽ tạo tâm lý đầu cơ, thao túng giá vàng, thậm chí góp phần tạo lực cầu mạnh để nhập khẩu vàng lậu nảy sinh, khó có thể kiểm soát. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn, chứa đựng nhiều rủi ro hơn, đòi hỏi kiến thức sâu rộng hơn thì việc đầu tư vào vàng là lựa chọn được nhiều người ưa chuộng trong giai đoạn này.

Kiểm soát dòng tiền

Để “hạ nhiệt” giá vàng, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp trong việc chấn chỉnh, minh bạch hóa thị trường vàng. Việc tăng cường hoạt động như thanh tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu vàng, bắt buộc sử dụng hóa đơn trong mua bán vàng... đã có hiệu quả. Một số cửa hàng vàng đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh khi không còn điều kiện thả lỏng giá vàng, cũng như điều kiện mua bán vàng.

Nhìn lại những biện pháp đã thực hiện nhằm bình ổn giá vàng tại thị trường trong nước, có thể thấy, với mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng nhưng hiệu quả không cao.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép bán vàng trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước đã góp phần thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế, được cho là phương án phù hợp giúp hạ nhiệt giá cũng như nguồn cung vàng.

Bên cạnh đó, Nhà nước quản lý và điều hành giá vàng ở mức hợp lý, các giao dịch được công khai, minh bạch, có hóa đơn điện tử… đã góp phần giảm tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách. Sau một thời gian thực hiện, các ngân hàng được phép bán vàng đã chuyển đổi sang hình thức đăng ký mua vàng trực tuyến.

Nhờ những biện pháp quyết liệt này, giá vàng đã ổn định, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Với diễn biến giá vàng trong các tháng đầu năm, nhiều tổ chức đã điều chỉnh dự báo giá vàng trong năm 2024 tăng so với trước đó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ sự ổn định của giá vàng, trong đó tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, nhiều khả năng sẽ tác động tích cực tới việc bình ổn giá vàng khi nguồn cung được nới lỏng.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, cần xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Thị trường đó phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện: thông thoáng (cả về hàng hóa lẫn dòng tiền đủ để tôn trọng quyền mua bán của nhà đầu tư tài chính); quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thao túng giá, hàng; kiểm soát được dòng tiền minh bạch, phòng chống rửa tiền; thu được thuế hợp pháp.

Thực tế này đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, nhất là phải có công cụ công nghệ đáng tin cậy, được chia sẻ đầy đủ giữa các ngành nhằm quản lý thị trường vàng như tài chính-ngân hàng-công an-quân đội… Chỉ có như vậy mới quản lý chặt chẽ được thị trường vàng trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.