Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em và ngày quốc tế thiếu nhi 1-6

Giải pháp giảm sử dụng lao động trẻ em ở TP Hồ Chí Minh

NDO - Những năm qua, tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại TP Hồ Chí Minh luôn diễn biến phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng thực trạng này vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.
Trẻ em phải làm việc nặng nhọc trong xưởng cơ khí.
Trẻ em phải làm việc nặng nhọc trong xưởng cơ khí.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 30% trẻ em là con các gia đình ngụ cư không có công ăn việc làm, chỗ ở ổn định. Khoảng 90% số trẻ em đường phố, làm giúp việc gia đình, làm thuê trong các cơ sở sản xuất kinh doanh... đến từ 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Do sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở kinh tế tư nhân ngày càng nhiều nên nhu cầu về sử dụng lao động rất lớn. Trẻ em được các chủ cơ sở xem như một đối tượng để họ chọn lựa trong việc sản xuất, kinh doanh hằng ngày, khiến số trẻ em đến thành phố tìm việc tăng trong mấy năm trở lại đây. Sở LÐ-TB và XH cũng báo động một thực trạng, đó là 90% trẻ em làm thuê trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, phụ giúp gia đình nhập cư từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại các quận, huyện, số lượng trẻ em dưới độ tuổi lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất tư nhân cũng chiếm tỷ lệ khá lớn. Các em chủ yếu làm những công việc đơn giản, trong các ngành nghề như may mặc với quy mô nhỏ, sản xuất cá thể, hộ gia đình, nhiều nhất là ở các quận: Tân Phú, Bình Tân... Theo ghi nhận, có rất nhiều cơ sở may mặc dọc tuyến đường 26-6, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân sử dụng trẻ em, trẻ vị thành niên làm công nhân. Tại đây, các em làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hằng ngày, có ngày các em phải làm tăng ca đến tận 21-22 giờ đêm mới được nghỉ, rồi điều kiện làm việc khó khăn cũng diễn ra phổ biến. Em Nguyễn Văn Tùy, 16 tuổi, hiện đang học sửa xe trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 cho biết: Học xong lớp tám nghỉ ở nhà một thời gian, em lên đây theo người bà con học nghề. Nhìn khuôn mặt non nớt của Tùy không ai nghĩ em đã sớm rời ghế nhà trường từ mấy năm trước để mưu sinh phụ giúp gia đình.

Tại hội nghị "Bàn biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến lao động trẻ em" trên địa bàn thành phố, nhiều đại biểu phân tích: trừ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế đành phải cho con cái đi làm thuê thì cũng có rất nhiều gia đình cả tin để người khác đưa con vào thành phố để kèm cặp, hướng dẫn học nghề... Ðể rồi, con cái họ phải làm các công việc nặng nhọc, quá sức cho cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2011, Thanh tra Sở LÐ-TB và XH cùng với địa phương tổ chức 15 đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lao động trên địa bàn các quận, huyện. Kết quả cho thấy, có bốn cơ sở sử dụng lao động trẻ em, trước đó, năm 2010, đơn vị này cũng phát hiện 10 cơ sở có sử dụng lao động trẻ em khi thanh tra tại 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở này chủ yếu tập trung tại các quận Bình Tân, Tân Phú. Phó Chánh Thanh tra Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lý Ngọc Thu cho biết: Nhiều cơ sở kinh doanh đã chủ động chuyển đi nơi khác khi nhận được thông báo của đoàn thanh tra khiến công tác thanh tra, xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. Sở dĩ có tình trạng này là do các chủ cơ sở chỉ thuê mướn mặt bằng và không thực hiện đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương, nên khi cần thiết là chuyển đến nơi khác ngay. Ngoài ra, việc báo cáo của địa phương về việc sử dụng lao động trẻ em cũng còn mang tính chủ quan, chưa chính xác về độ tuổi của các lao động tại các cơ sở, nên khi đoàn thanh tra xuống kiểm tra thì không đúng như báo cáo đã nêu. Ðồng chí Nguyễn Lý Ngọc Thu kiến nghị: Hiện mức phạt theo Nghị định 91 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (NÐ/CP ngày 17-10-2011) đối với hành vi bắt trẻ em làm quá sức, nặng nhọc chỉ từ một đến năm triệu đồng vẫn chưa đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm.

Những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để giảm tình trạng lao động trẻ em, như triển khai cán bộ chuyên trách xuống các địa phương để kiểm tra, giám sát nhưng với lượng trẻ em đông, phân bố trên khắp các quận, huyện cho nên công tác thanh tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố cần phối hợp các tỉnh, thành phố có lao động trẻ em đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh để tìm hướng giải quyết. Ðến nay, các cơ quan chức năng đã có những văn bản liên hệ gửi về các địa phương để các đơn vị thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, tránh tình trạng các em rời quê vào thành phố làm việc. Ðồng thời, có các giải pháp chấn chỉnh quyết liệt tình trạng lao động trẻ em trên địa bàn thành phố.

Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2012:

"Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em".

Các nội dung chính của thông điệp:

- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

- Hãy cho trẻ em một ngôi nhà bình yên, hạnh phúc.

- Ðừng để gánh nặng đè lên đôi vai trẻ.

- Không sao nhãng, ngược đãi, bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Hãy dành cho trẻ em những sân chơi an toàn, lành mạnh.

- Trẻ em phải được sống trong tình yêu thương.

(Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bài và ảnh: TRẦN QUANG QUÝ