Liên quan tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý, tiến độ và giải ngân đã tốt, song phải coi chất lượng và thủ tục xây dựng cơ bản là mục tiêu hàng đầu, tuân thủ chặt chẽ quy định. Các Ban Quản lý dự án cần ưu tiên công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhóm B, C.
Giải ngân vượt kế hoạch
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Kế hoạch-Đầu tư, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, Bộ Giao thông vận tải đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án qua 4 đợt với tổng số 45.343/50.328 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại sẽ được giao khi các dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt dự án đầu tư (dự kiến cuối tháng 6/2022).
Theo số liệu báo cáo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cập nhật đến ngày 23/5, dự kiến trong tháng 5/2022, Bộ giải ngân 3.880 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 5, giải ngân 15.080 tỷ đồng. Kết quả giải ngân của Bộ hết tháng 5/2022 dự kiến đạt 34,9% kế hoạch năm 2022 đã giao chi tiết, về tổng thể đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp tháng trước (vượt mức kế hoạch đề ra là 33,3%).
Trong đó, các dự án ODA giải ngân 1.600 tỷ đồng (tháng 5 khoảng 400 tỷ đồng), cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) giải ngân 5.430 tỷ đồng (tháng 5 khoảng 1.700 tỷ đồng), cao tốc bắc-nam (giai đoạn 2) giải ngân 175 tỷ đồng, các dự án quan trọng, cấp bách giải ngân 1.110 tỷ đồng (tháng 5 khoảng 550 tỷ đồng), các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch giải ngân 2.768 tỷ đồng (tháng 5 khoảng 280 tỷ đồng); trả nợ các dự án BT 1.144 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, trong số 35 đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn (hơn 50 tỷ đồng), chỉ có 17 đơn vị giải ngân vượt mức 33,3%, một số đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai đấu thầu. Bên cạnh đó, một số khó khăn về giải phóng mặt bằng; thời tiết bất thuận, mưa lũ xuất hiện sớm, cường độ lớn trên diện rộng; tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao,... đã gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu”, ông Nguyễn Danh Huy đánh giá.
Trong số 13 đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, có 3 đơn vị tiếp tục đạt kết quả giải ngân tốt và vượt kế hoạch giải ngân theo tháng đã đăng ký, gồm: Ban Quản lý dự án Thăng Long giải ngân 3.094/6.866 tỷ đồng (45,1%), vượt 380 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh 1.529/4.290 tỷ đồng (35,6%), vượt 60 tỷ đồng; Ban Quản lý các dự án đường thủy giải ngân 352/994 tỷ đồng (35,5%), vượt 33 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Hàng hải tuy giải ngân 681/1.489 tỷ đồng (45,5%), nhưng vẫn chậm 108 tỷ đồng kế hoạch tháng do kết quả đấu thầu dự án Luồng sông Hậu giai đoạn 2 giảm so dự toán.
Có 4 đơn vị dù chưa đạt mức giải ngân 33,3% nhưng đã chuyển biến tích cực, giải ngân bù được phần chậm kế hoạch tháng 4 và vượt kế hoạch giải ngân tháng 5, gồm Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Kết quả này đã góp phần đưa kết quả giải ngân bình quân chung của ngành Giao thông vận tải cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 5%).
Không lơ là chất lượng, thủ tục
Tuy nhiên, “Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải vẫn tỏ ra không hài lòng khi một số đơn vị chậm giải ngân theo kế hoạch như Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chậm 380 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang chỉ giải ngân vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng (1,2%), Đồng Tháp 7 tỷ đồng (1,8%),… Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Diệp Bảo Tuấn cho biết, giải ngân của ban chưa đạt do kết quả đấu thầu dự án Tân Vạn-Nhơn Trạch bị chậm. Trong tháng 6 tới, Ban sẽ tiếp tục triển khai 5 dự án, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh sản lượng. Dự án Tân Vạn-Nhơn Trạch sau khi được giải quyết vướng mắc tài chính tài trợ, khơi thông thủ tục tạm ứng cho nhà thầu, Ban sẽ giải ngân được khoảng 350 tỷ đồng.
Chỉ đạo giải pháp tăng hiệu quả giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, trong bối cảnh bão giá vật liệu, nhà thầu khó khăn về kinh phí, các Ban Quản lý dự án cần có sự linh hoạt trong thanh toán, nghiệm thu. Trường hợp cần thiết có thể linh động trong thanh toán để khích lệ quyết tâm hoàn thành của nhà thầu, cố gắng bảo đảm tiến độ. Liên quan tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các Ban Quản lý dự án cần tập trung tối đa cho công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhóm B, C. Cần lưu ý, tiến độ và giải ngân đã tốt, song chất lượng và thủ tục xây dựng cơ bản phải là hàng đầu.
“Từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35 nghìn tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban Quản lý dự án/chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở dự án nào, chủ đầu tư nào. Tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung dồn vào cuối năm, vì bước vào mùa mưa, việc giải ngân sẽ rất khó khăn”. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể |
Riêng đối với dự án cao tốc bắc-nam phía đông, Bộ trưởng dành sự quan tâm lớn đối với bốn dự án phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. Tại 4 dự án này, các Ban Quản lý dự án cần quyết liệt hơn nữa, cử những nhân lực, cán bộ “thiện chiến” nhất, năng lực giỏi nhất để quản lý, điều hành tại hiện trường.
Để đẩy nhanh tiến độ, vừa qua các Ban Quản lý dự án đã triển khai nhiều giải pháp như tăng ca, huy động máy móc thiết bị để bù đắp khối lượng khi đã giải quyết được khó khăn về vật liệu đất đắp hoặc ảnh hưởng mưa lớn kéo dài; cắt giảm và điều chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công chậm,… (đơn cử, Ban Quản lý dự án 7 đã thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5 km và tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5 km của nhà thầu chậm tiến độ thuộc dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết).
“Việc cắt chuyển khối lượng, xử lý nhà thầu yếu kém, giải cứu tiến độ các gói thầu là cần thiết, song phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, hết sức quan tâm thủ tục. Giao cho nhà thầu khác cũng phải theo quy định về năng lực”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo. Các Ban Quản lý dự án theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong khu vực dự án để đánh giá chính xác thời gian thi công, điều chỉnh kế hoạch sát thực tiễn.