Giải mã bí ẩn bom từ trường

Bảng gỗ gắn 24 viên từ dùng để phá quả bom từ trường đầu tiên ngày 10-10-1967 do thượng úy, kỹ sư Trương Ngọc Vĩnh ch
Bảng gỗ gắn 24 viên từ dùng để phá quả bom từ trường đầu tiên ngày 10-10-1967 do thượng úy, kỹ sư Trương Ngọc Vĩnh ch

Đây là công trình đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và được bạn bè quốc tế ca ngợi như một "Khúc khải hoàn ca trí tuệ Việt Nam".

Người tiếp chúng tôi là đại tá Đinh Quốc Khải, một trong những cán bộ hoạt động cùng thời với liệt sĩ Hoàng Kim Giao hiện đang còn công tác tại Viện Điện tử - Viễn thông.

Ông cho biết: "Có thể hình dung việc nghiên cứu công trình "Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường" thành ba giai đoạn: nghiên cứu nguyên lý hoạt động tổ chức thiết kế và sản xuất phương tiện rà phá; huấn luyện cho bộ đội và nhân dân cách áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chiến đấu.

Thời kỳ 1967 - 1972 là cuộc đấu trí quyết liệt giữa ta và địch. Đối phương liên tục cải tiến bom hòng vô hiệu hóa các cách rà phá, còn ta cũng không ngừng tìm tòi, phát hiện những bí mật vũ khí địch để đánh lại chúng".

Những ai đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đều biết bom từ trường - "kẻ giết người bí ẩn" . Trong dư luận xuất hiện lời đồn đại hoang đường về loại bom quái quỷ, gây hoang mang trong nhân dân. Còn địch thì nghi binh bằng cách lu loa trên các phương tiện truyền thông: bom nổ theo cơ chế chấn động âm thanh một cách phi quy luật, Việt cộng không thể rà phá.

Quả thật, trong ba tháng đầu, hàng ngàn chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong đã ngã xuống, đường Trường Sơn nhiều lúc tắc nghẽn. Cả Viện Kỹ thuật quân sự như sục sôi trước lời giục giã của chiến trường: Nhanh chóng giải mã bí ẩn của loại bom mà chúng ta chưa biết phải gọi tên nó là gì. Qua các thông tin ban đầu, nhiều cán bộ của Viện nhận định: Có thể bom nổ bằng cơ chế gây nhiễu từ trường. Vấn đề là phải có ngòi nổ của quả bom thì mới khẳng định được!

Ông Lưu Ngọc Phan - người chủ trì Tổ nghiên cứu thiết kế phương tiện phá bom - còn nhớ rất kỹ: "Một ngày đầu tháng 9-1967, tôi đang đi công tác thì đơn vị gọi về gấp. Tôi về, gặp ngay anh Dĩnh - cán bộ của Bộ tư lệnh Công binh, trên tay cầm một đầu nổ có ký hiệu MK - 42 Model 0 còn nguyên vẹn. Đây chính là đầu nổ của loại bom đang gây ách tắc khắp các tuyến giao thông. Anh Ngô Đức Thọ, Trưởng phòng Điện tử giao cho tôi tìm cách tháo ra để triển khai nghiên cứu".

Nắm chắc "thủ phạm" trong tay, một khối hình cầu vỏ nhôm màu xỉn đen nặng chừng 1 kg, Lưu Ngọc Phan chạy ngay sang xưởng chế thử của Trường Đại học Bách khoa, rủ anh Dần (thợ tiện) và một anh thợ nguội nữa cùng tìm cách tháo. Ai cũng ái ngại vì trong đầu nổ của bom thường có bẫy tự hủy và thuốc nổ. Nếu thao tác tiện vỏ không tốt thì khó tránh khỏi hy sinh.

Biết vậy, nhưng cả Viện đang mong chờ, đầu nổ này lại là cái duy nhất chúng ta có được, lần tháo này mà hỏng thì không biết đến bao giờ mới "bắt được "thủ phạm" khác. Kỹ sư Phan động viên hai người thợ: "Có gì tớ sẽ nằm đè lên, các cậu cứ yên tâm mà thao tác".

Tiện thử một đường, một thứ bột trắng như mùn cưa rơi ra khiến cả ba tá hỏa vì tưởng cưa vào khối thuốc nổ. May thay, đó chỉ là bột chống ẩm. Trong đêm hôm ấy, kỹ sư Phan hì hục "phanh phủi" từng chi tiết một, gói ghém cẩn thận. Sáng hôm sau, anh bắt xe đi một mạch lên Hòa Bình, địa điểm đóng quân bí mật của Viện lúc bấy giờ để giao "thủ phạm" đã được mổ xẻ cho Tổ nghiên cứu nguyên lý.

 

Thiết bị phá bom từ trường
đặt trên xe tăng T54

Tổ nghiên cứu nguyên lý bom gồm các kỹ sư Trịnh Đông A (nay là Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Anh, Phạm Quang Thụ, Nguyễn Trọng Khả lập tức bắt tay khám phá. Dự đoán "đầu nô theo nguyên lý từ trường" đã được khẳng định.

Qua nhiều ngày đêm, Tổ nghiên cứu đã vẽ được sơ đồ mạch đến tạo tín hiệu gây nổ, đo được các thông số: độ nhạy, cường độ, xung từ từ đó định ra các cách rà phá. Trưa 10-10-1967, địch phá kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô bằng cách ném bom ào ạt vào Hà Nội, ba quả bom lạ nằm phơi mình trên cánh đồng Thổ Khối (Gia Lâm). Lập tức Viện trưởng Hoàng Đình Phu, các cán bộ nghiên cứu cùng đội công binh 93 tiến hành rà phá thử theo kết luận của phòng thí nghiệm. Cả ba quả phát nổ, lộ mặt "kẻ giết người bí ẩn".

Được nghe báo cáo: Các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật Quân sự đã tìm ra "chân tướng" của "kẻ giết người bí ẩn"; đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tôtng tham mưu trưởng rất phấn khởi, căn dặn đồng chí Viện trưởng: "Chớ để cho địch biết rằng ta đã "nắm" được nó". Kết quả nghiên cứu nhanh chóng được áp dụng trên chiến trường, tên gọi "bom từ trường dần thay thế cho những hư danh "tinh khôn", "bí ẩn".

Cũng không lâu sau đó, thấy tuyến đường Trường Sơn vẫn thông; hàng hóa, vũ khí vẫn "chảy" vào miền Nam không ngừng, địch đoán ta đã phát hiện ra cơ chế gây nổ của "thần chết MK42 Model 0", chúng cải tiến thành các đời Model 1, Model 2, Model 3 và nghe nói có cả Model 4 để đối phó lại. Chúng làm cho bom có mức độ nhạy khác nhau, thay đổi kết cấu và tạo cơ chế bom "thức và ngủ" mà không quả nào giống quả nào. Bom từ trường lúc ném xuống nước thì thành thủy lôi, chính nó đã gây nhiều ách tắc cho các cảng biển của chúng ta... Thời gian đầu, phương tiện rà phá của ta chủ yếu vẫn sử dụng các thanh ferit có gắn nam châm để kéo qua quả bom. Phương tiện này gây tốn kém và hiệu quả thấp nên Viện đã thiết kế canô, ôtô có gắn cuộn từ tạo tín hiệu phá bom từ xa, nhờ vậy đã phá được bom ở cự ly dưới 100 mét. Về sau, địch "rải thảm", bom ngày càng nhiều, vật liệu silic dùng trong sản xuất các cuộn từ ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu của chiến trường ngày một cao.

Một lần, kỹ sư Trịnh Đông A và cán bộ trong Tổ nghiên cứu nguyên lý nhìn thấy chiếc xe BTR có vỏ thép rất dày, các anh nảy ra ý tưởng: Dùng cả khối thép của xe làm lõi từ mà không cần dùng đến tôn silic Một chiếc BTR được đưa vào thí nghiệm. Kết quả "cuộn từ" BTR này có sức công phá bom từ trường còn xa hơn cả những loại cuộn từ tốt nhất mà ta đang có.

Ý tưởng này đã dẫn tới sự ra đời của hàng loạt loại xe, ca nô phóng từ có sức công phá lớn. Tổ thiết kế phương tiện phá bom còn phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân thử nghiệm tàu T412, một chiếc tàu có sức chở 50 tấn thành tàu phóng từ khổng lồ. Sự hoạt động của chiếc tàu này đã khiến cho hàng vạn thủy lôi từ tính mà địch ném xuống biển Bắc bộ bị quét sạch, điều mà người Mỹ rất ngạc nhiên sau này.

Những phương tiện phá bom: xe lội nước, xe bọc thép, ca nô... đã giúp bộ đội và nhân dân ta khắc chế được phần lớn bom từ trường mà địch rải xuống. Tuy nhiên, địa hình phức tạp và tốc độ rà phá vẫn là hai vấn đề cần được cải tiến.

Viện trưởng Hoàng Đình Phu trong một lần đi thực địa bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ thông tin của ta đeo trên người cuộn dây điện thoại, khi xong việc thì cuốn lại rồi đeo vào vai trông rất gọn gàng. Ông bỗng mơ ước, làm sao để các chiến sĩ phá bom cũng chỉ phải vác một cuộn dây nhỏ như vậy, đánh bom xong thì cuốn lại vác về. Không ngờ, mơ ước ấy của người chỉ huy được Tổ nguyên lý biến thành hiện thực.

Qua nghiên cứu, các anh kết luận: Chỉ cần một vòng dây và hai quả pin đèn là có thể phá được bom từ trường. Anh em gọi thiết bị ấy là PK để giữ bí mật. Đúng lúc ấy, ở bến phà Linh Cảm bị ách tắc giao thông hơn 10 ngày liền. Không một chiếc xe nào dám qua vì bom từ trường nằm dưới sông, trên bến khá nhiều, nhưng địa hình rất phức tạp, xe phá từ không vào được, công binh nổ phá thủ công cũng không thành.

Thượng úy Thái Quang Sa và thiếu úy Hoàng Kim Giao (lúc này đang có mặt ở chiến trường khu 4) nghe tin đã đến và áp dụng ngay phương pháp phá bằng khung dây. Những quả bom năm "chết" trong địa hình hiểm trở đã nổ giòn, lúc ấy bến phà Linh Cảm mới thông trở lại. Việc phá bom bằng khung dây PK có rất nhiều ưu việt: phá trên mọi địa hình, thiết bị gọn nhẹ và tiết kiệm, độ an toàn cao, có thể nổ phá trên diện rộng, hẹp khác nhau.

Những kết quả nghiên cứu của Viện đã nhanh chóng biến thành những thắng lợi giòn giã trên chiến trường. Đó chính là một trong nguyên nhân giúp cho tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn luôn thông suốt. Sau này, bộ đội ta tháo được nhiều đầu nổ MK42, Tổ nguyên lý còn kiến nghị "lấy vũ khí địch, đánh địch", đưa MK42 vào chiến trường Nam bộ chế tạo thành thủy lôi để bộ đội đặc công đánh đắm tàu địch.

Trong buổi nói chuyện giữa chúng tôi và nguyên Viện trưởng Hoàng Đình Phu, tôi hỏi: Những lời đồn đại về "kẻ giết người bí ẩn" trước đây có thật hay chỉ là "đòn" tuyên truyền của địch nhằm khuếch trương sức mạnh và dọa nạt tinh thần nhân dân ta?

Ông cười: trong luận điệu tuyên truyền của địch có cái đúng, có cái sai, cốt để cán bộ khoa học của ta không biết hướng nghiên cứu từ đâu. Còn những lời đồn đại như trâu bò đi qua thì không sao, người đến gần bom lại nổ là có thật. Trâu bò không có kim loại nên đi qua thì không việc gì, người đi qua mà có kim loại, dẫu chỉ là vật nhỏ như cái chốt thắt lưng vẫn có thể khiến bom bị kích nổ. Trường hợp xe trước qua, "thần chết" vẫn "ngủ yên", xe khác tới lại nổ cũng không có gì lạ. Thế hệ bom từ trường cải tiến, địch cài chế độ "thức - ngủ" xen kẽ. Khi bom "ngủ" dù có đưa thiết bị rà phá đến tận nơi nó vẫn không động đậy nhưng nếu đúng thời điểm "thức" thì bộ mặt "tử thần" của nó mới lộ diện. Những thủ đoạn này đều bị ta phát hiện, đối phó kịp thời. Những lời đồn đại chỉ xuất hiện trong thời kỳ đầu. Ngay cả địch cũng chỉ "khoe khoang" được ít hôm".

Nhớ về một thời "làm" khoa học sôi nổi và hào hùng, nhà khoa học tuổi đã ngoại bát tuần bỗng hoạt bát hắn lên. Ông nói: "Các cậu biết không, thua về cái gì thì được chứ thua về trí tuệ thì đau lắm. Đối phương cũng vậy, họ đã thất bại thảm hại một cách toàn diện, trong đó có thua đau về trí tuệ nhưng cứ cố rêu rao rằng họ thua vì dân ta quá... anh hùng, vì dân ta rất coi thường nhân mạng. Thực ra, chúng ta chiến thắng không chỉ bởi "ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mà chúng ta còn biết thắng bằng trí tuệ nữa.".

Theo Quân đội nhân dân