Giá trứng gia cầm ở các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao

NDO -

100 nghìn đồng chỉ mua được 20 quả trứng - giá trứng gia cầm ở các chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn neo ở mức cao, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của người dân Hà Nội trong đợt giãn cách thứ hai.

Giá trứng ở chợ dân sinh Hà Nội tăng cao.
Giá trứng ở chợ dân sinh Hà Nội tăng cao.

Giá trứng neo cao

Được phát phiếu đi chợ vào các buổi sáng trong tuần giãn cách thứ 3 của Hà Nội, bà Nguyễn Thị The (Dương Nội, Hà Đông) phàn nàn, giá trứng gà, trứng vịt đang ở mức quá cao.

“Giá trứng gà ta ở chợ nhà tôi đang dao động khoảng 45.000-46.000 đồng/chục, giá trứng gà chọi còn cao hơn. Hôm nào đi muộn hoặc đi vào buổi chiều thì phải đi vài nơi mới mua được vài chục trứng. Giá trứng vịt cũng cao, khoảng 42.000-43.000 đồng/chục, tùy hôm. Trứng gà công nghiệp rẻ hơn, khoảng 40.000 đồng/chục. Hôm nào ăn trứng, mỗi bữa nhà tôi cũng hết khoảng 6 quả, tính ra đắt ngang bằng một cân thịt lợn loại ngon. ”, bà The nói. Bà cũng chia sẻ, giá các mặt hàng thiết yếu khác như thịt lợn, gà, vịt, bò… đều giữ ổn định, thậm chí thịt lợn đang rẻ hơn khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng. Duy có trứng là tăng cao.

Cũng bức xúc vì giá trứng ở chợ dân sinh ở mức rất cao, chị Nguyễn Thị Linh (Tây Hồ) cho biết, gia đình chị có con nhỏ, rất thích ăn trứng nên mỗi tuần, cả nhà thường tiêu thụ khoảng 30 quả trứng. Tuy nhiên, giá trứng đang ở mức khá cao so với trước đây. Chị so sánh: “Thời điểm trước khi Hà Nội giãn cách, giá trứng vịt chỉ khoảng 25.000 đồng/chục; giá trứng gà ta ngon cũng không quá 35.000 đồng/chục, giờ đã tăng đến gần 50.000 đồng/chục, là mức quá cao. Đáng chú ý, giá trứng chỉ tăng cao ở chợ dân sinh, còn ở siêu thị rẻ hơn gần một nửa. Đây là điều vô lý”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khi giá trứng ở chợ dân sinh rất cao thì tại siêu thị vẫn ổn định ở mức thấp. Cụ thể, siêu thị Coop Co.opmart (phường Văn Quán, quận Hà Đông) dao động từ 32.900 - 33.900 đồng cho một hộp 10 quả trứng gà; tại siêu thị BRG Mart (Thanh Xuân, Hà Nội), giá chỉ 23.500 đồng/hộp 10 quả trứng gà so Hoà Phát; siêu thị Vinmart+ An Khánh (Hoài Đức) cũng bán trứng gà với giá 33.000 đồng/chục… Tuy nhiên, nhiều người dân được hỏi cho biết vẫn hay đi chợ dân sinh hơn vì gần nhà, tiện mua bán, lại nhiều hàng hóa hơn siêu thị. Đặc biệt, không phải gửi xe như đi siêu thị.

Lý giải về giá trứng tăng cao, chị Nguyễn Thị Hoàn (tiểu thương bán trứng tại Hà Đông) cho biết, từ khi bắt đầu giãn cách, nhu cầu trứng của người dân tăng gấp ba, bốn lần so với trước đây vì đây là thực phẩm có thể để lâu được, lại dễ chế biến. Trong khi đó, nguồn trứng thu gom trong dân lại giảm đi do nhiều hộ dân cũng tranh thủ tích trữ để phòng dịch nên nguồn bán ra ít hơn so với trước.

“Tiểu thương chúng tôi thường đi gom của bà con, mỗi nhà một ít đem đi bán. Do đó, số lượng không ổn định như siêu thị thường đặt lượng lớn của doanh nghiệp. Chưa kể, từ khi Hà Nội giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về đây rất khó khăn vì các chốt kiểm dịch rất gắt gao, đòi hỏi lái xe phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được mang hàng hóa vào nên chi phí vận chuyển hàng tăng cao. Nguồn hàng giảm, chi phí tăng nên chúng tôi buộc phải tăng giá mới đủ bù đắp chi phí”, chị Hoàn cho biết.

Cũng than thở về việc đưa hàng hóa vào Hà Nội rất khó khăn, chị Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương tại chợ Hoài Đức) cho biết: “Trước đây, cứ khoảng 2 ngày, tôi sẽ thuê một chuyến xe chở trứng, hoa quả, rau từ quê tôi là Hà Nam đến chợ để bán. Nhưng hiện nay, Hà Nội là vùng dịch nên thuê lái xe tỉnh ngoài chở hàng hàng vào rất khó. Chưa kể, do yêu cầu lái xe phải có test nhanh âm tính nên từ quê tôi, cả tuần mới có một chuyến hàng lên Hà Nội. Chưa kể, giá trứng tăng cao nên nhiều người cùng gom bán khiến nguồn cung khó khăn hơn trước. Người nuôi gà vịt cũng tăng giá bán trứng nên giá bán đến tay tiểu thương cũng buộc phải tăng theo”.

Cung không đủ cầu

Theo lý giải của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), hiện các sản phẩm chăn nuôi về cơ bản đáp ứng được bình diện chung. Ước tính của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho thấy, lượng sản xuất trứng hàng ngày khoảng 32–33 triệu quả/ngày, thời điểm cao nhất là 41-42 triệu quả/ngày, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên có tâm lý thu gom, tích trữ của người dân, đẩy cầu tăng đột biến, khiến nguồn cung chưa thể đáp ứng ngay lập tức. 

Giá trứng gia cầm ở các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao -0
 Nguồn cung trứng về cơ bản đáp ứng nhu cầu nếu người dân không tích trữ.

Bên cạnh đó, vào năm 2019, nhiều hộ gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gà để bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt do dịch tả châu Phi khiến nguồn cung gia cầm tăng mạnh. Đến năm 2020, cung vượt cầu nên giá trứng gia cầm giảm mạnh. Cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều hộ dân phải bán tháo đàn gà. Thời điểm này, nguồn cung trứng không dồi dào như thời điểm đó nên bước đầu thiếu hụt. Chưa kể, vào thời điểm này, nhu cầu làm bánh trung thu tăng cao nên nhiều nhà máy cũng thu gom trứng. Thời gian tới, khi nguồn cung được bổ sung, giá trứng sẽ dần hạ nhiệt.

Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, thành phố đã bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, trong đó có trên 1 triệu quả trứng gia cầm trong đợt Hà Nội giãn cách. Lượng hàng này đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ, gây mất cân đối cung cầu, là nguyên nhân đẩy giá trứng tăng cao.