WTO ra đời từ năm 1995, kế thừa GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1947 - 1994). Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi hệ thống thuộc địa kiểu cũ không còn nữa, Mỹ và Anh cùng một số nước lập ra một số loại hình tổ chức kinh tế có tính quốc tế như IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), WB (Ngân hàng thế giới), ITO (Tổ chức Thương mại quốc tế), GATT... nhằm gây ảnh hưởng và truyền bá "giá trị phương Tây", chủ yếu là "giá trị Mỹ", trong điều kiện có hai hệ thống thế giới - tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
GATT được hình thành dưới hình thức "Nghị định thư", sau gọi là "Hiệp định chung". GATT hình thành năm 1947 với 23 nước, cho đến năm 1994 có 128 nước tham gia. Ðến năm 1995 ra đời WTO với tư cách là một tổ chức kinh tế thế giới - có tổ chức, có điều lệ, quy định chặt chẽ hơn, nói đúng hơn là bớt lỏng hơn GATT hoặc ITO trước kia. WTO hiện có 148 nước tham gia và có hàng chục nước đang đệ đơn xin tham gia, có trụ sở ở Geneva, có Chủ tịch và Ban thư ký chuyên trách, hiện có biên chế hơn 500 người. Những nước giàu thường có vài chục người đại diện ở WTO, những nước nghèo thường ít hơn, thậm chí kiêm nhiệm (như cán bộ Ðại sứ quán kiêm nhiệm) hoặc không có. Những thành viên có thực lực mạnh trong thương trường, theo đó có tiếng nói áp đảo trong WTO, là Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada... trong đó nổi trội hơn cả vẫn là Mỹ.
Với sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, khi chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại như một hệ thống chặt chẽ, thì WTO trở thành công cụ cho một thị trường thế giới thống nhất theo chủ nghĩa tư bản hiện đại. Mỹ đã biến WTO thành một "câu lạc bộ kinh tế", "một diễn đàn kinh tế" rộng lớn, một thương trường vô cùng rộng lớn, chiếm 90% lưu thông hàng hóa trên thế giới, đương nhiên hoạt động theo quỹ đạo của các nước tư bản phát triển, giàu có nhất thế giới, trước hết là Mỹ. Ðiều đó vừa nói lên rằng các nước đang phát triển và kém phát triển không thể đứng ngoài WTO, đồng thời, cũng nói lên rằng khi tham gia sẽ là một thách thức lớn.
Những cơ chế chính của WTO:
Thứ nhất, trước hết và quan trọng hơn hết là hạ thấp, tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan, cho xuất nhập khẩu tự do, tất nhiên với một danh mục hàng hóa nhất định. Xu hướng chung là thuế quan tiến tới số 0, cuối cùng chỉ còn quy định thuế quan đối với số ít hàng nông sản và sản phẩm có tính tài nguyên.
Hiện nay, tuy thuế quan có cao thấp khác nhau đối với từng loại hàng hóa và đối với từng nước, nhưng mức thuế quan bình quân đối với tất cả các thành viên WTO là 6%, đối với các nước phát triển là 3%, đối với các nước đang phát triển là 10%, riêng đối với Trung Quốc khoảng 17%.
Còn đối với nước ta thì đây là điều khá quyết liệt và khá phức tạp đang diễn ra trong đàm phán. Chẳng hạn, để bảo vệ nông sản trong nước thì nước ta cần mức thuế cao đối với nông sản nhập, nhưng đối với các nước có hàng nông sản có sức cạnh tranh cao thì lại yêu cầu nước ta hạ thấp thuế suất đó.
Và, dĩ nhiên xu hướng mậu dịch tự do còn đòi hỏi gắn liền với xóa bỏ hàng rào thuế quan là phải xóa bỏ cấp hạn ngạch (quota), cho lưu thông hàng hóa tự do. Ðó cũng là nói chung, nói xu hướng, còn về cụ thể thì phụ thuộc vào tương quan sức mạnh kinh tế của các bên đối tác. Chẳng hạn, EU và Mỹ có điều ràng buộc Trung Quốc: Khi nhận thấy hàng dệt - may của Trung Quốc xuất khẩu vào EU và Mỹ quá nhiều thì EU và Mỹ có thể lại áp dụng hạn ngạch. Ðây đang là một điểm thời sự nóng hổi trong WTO mà Trung Quốc đang phản ứng mạnh mẽ về cách đối xử không bình đẳng trong luật chơi của WTO.
Cơ chế xóa bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ cấp hạn ngạch (quota) đương nhiên được lợi nhiều nhất là các nước tư bản phát triển, có nền ngoại thương mạnh, trước hết là Mỹ. Các nước đang phát triển và kém phát triển cũng được lợi nhưng lợi ít hơn, thậm chí kèm theo cả những thách thức mới.
Thứ hai, có Hiệp định chung gồm hàng trăm điều, quy định bắt buộc đối với tất cả các thành viên WTO, với một số hàng hóa nhất định. Ngoài ra, còn có hàng chục hiệp định quy định riêng cho một số hàng hóa, cho quan hệ mậu dịch song phương hoặc ba, bốn bên... Trong đó đáng chú ý có một thể lệ rất đặc thù là một hiệp định thỏa thuận giữa hai thành viên bất kỳ đều có giá trị áp dụng đối với tất cả các thành viên của WTO.
Thứ ba, WTO không quy định về giá cả. Chính vì thế vẫn có cạnh tranh và càng có cạnh tranh quyết liệt một khi không còn công cụ hàng rào thuế quan và hạn ngạch xuất nhập khẩu.
Thứ tư, WTO là nơi giải quyết xung đột trong buôn bán quốc tế. Nếu đứng ngoài WTO thì về phương diện thuế quan thường hay xung đột, hay trả đũa nhau, những mắc mứu va chạm chỉ giải quyết tay đôi, dễ xảy ra mạnh được yếu thua. Chẳng hạn, vấn đề cá ba-sa hay giá tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nếu Việt Nam là thành viên của WTO thì sự kiện tụng phải đưa ra WTO chứ không thể tùy tiện do Mỹ áp đặt. Nếu đứng trong tổ chức để giải quyết xung đột thì ta cũng không bị đơn độc, lẻ loi. Ðương nhiên, chúng ta cũng không nên ngây thơ hiểu rằng điều này chỉ có lợi cho nước yếu, trái lại còn mang theo cả những thách thức, bởi vì đôi khi kết quả giải quyết xung đột còn phụ thuộc vào những sự vận động, những sức ép ngoài hành lang, mà muốn thắng cuộc thì phải chịu những tốn kém về tài chính nhất định.
Thứ năm, vì có điều lệ chung và lại có những điều lệ riêng cho hàng hóa mậu dịch song phương, tay ba, tay tư... cho nên WTO còn có cơ chế đàm phán. Phải đàm phán trước khi gia nhập WTO và đàm phán để giải quyết xung đột giữa các thành viên WTO. Có những đàm phán song phương, có những đàm phán đa phương, có những đàm phán ở cấp Bộ trưởng Thương mại của tất cả các thành viên.
Nói cho đúng hơn, WTO có cả một quy chế về đàm phán và cạnh tranh quốc tế. Chẳng hạn, theo quy chế này, khi xét đơn nước ta xin gia nhập thì WTO đã cử một nhóm công tác bao gồm mấy chục nước thành viên để đàm phán với Việt Nam, trong đó có Mỹ, EU (mà EU có đến 25 nước), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Cuba, Ấn Ðộ,... Trong quá trình đàm phán chúng ta phải giữ vững độc lập tự chủ, nắm vững lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời hiểu biết sâu sắc luật lệ của WTO, để đấu tranh, thương lượng, nhân nhượng nhau hợp lý.
Nhìn nhận những cơ chế chính của WTO để nước ta xem xét đầy đủ cả những cơ hội và thách thức khi tham gia WTO. Chúng ta tham gia WTO để tránh lẻ loi, đơn độc trên thương trường, vừa phù hợp xu thế chung của thế giới, xu thế mậu dịch quốc tế, vừa phù hợp yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế của ta.
Thế giới chúng ta đang sống vừa có chủ nghĩa tư bản vừa có chủ nghĩa xã hội. Ðó là một thực tế. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, lại xuất phát từ nền kinh tế chưa phát triển, cho nên càng cần sử dụng một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tham gia WTO là xuất phát từ lý luận và thực tiễn ấy.
Chính nhờ vào chỗ xóa bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ hạn ngạch thực hiện mức thuế quan thấp, mà nước ta có thể dễ dàng tiếp thu những kỹ thuật mới, những công nghệ tiên tiến nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, cũng tức là chúng ta có điều kiện thực tế để tận dụng lợi thế của nước đi sau, thực hiện bước đi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn thời gian.
Trong điều kiện nước ta, việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu là lẽ sống còn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, có xuất khẩu thì mới có vốn để nhập khẩu thiết bị, công nghệ tiên tiến cùng những sản phẩm khác của nền kinh tế tri thức. Gia nhập WTO, hạ thấp hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ hạn ngạch, là điều thuận lợi lớn đối với nước ta. Hiện nay, giá trị xuất khẩu của ta khoảng 30 tỷ USD, bằng khoảng 50% GDP, thì mối lợi ấy không phải là nhỏ.
Những hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của ta như hàng dệt - may, giày dép, cà-phê, cao-su, thủy sản chế biến, đồ gỗ chế biến, sản phẩm lắp ráp điện tử... càng có điều kiện phát triển trên thị trường thế giới, trước mắt 70% lượng hàng dệt - may của ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU sẽ có nhiều cơ may thuận lợi nếu nâng được sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi là thành viên WTO thì bên cạnh nhiều thuận lợi, cơ hội lớn chúng ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới.
Trước hết, vấn đề bao trùm là "hội nhập nhưng không hòa tan", trái lại vẫn phải giữ gìn được bản sắc dân tộc, bản sắc chế độ, luôn luôn thực hiện tốt đường lối độc lập tự chủ, ngay trong xây dựng và phát triển kinh tế. Ðành rằng, khi tham gia thì phải tuân theo "luật chơi chung của WTO".
Tuy nhiên, nước xã hội chủ nghĩa và nước tư bản chủ nghĩa có những khác nhau về chính sách, pháp luật, có những khác nhau về bản chất. Ðành rằng, nước ta phải rà soát, điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách và luật lệ, song đây là điều vô cùng khó khăn, phức tạp, vì chính trên lĩnh vực này sẽ có sự đụng đầu của hai chế độ xã hội. Như thế, ở đây có nguy cơ đe dọa độc lập tự chủ, đe dọa định hướng xã hội chủ nghĩa. Tình huống này đòi hỏi ta phải đấu tranh giữ vững chủ quyền, có những nhân nhượng hợp lý, chọn "điểm đồng" để cùng chơi, khéo léo chọn những hình thức biểu hiện thích hợp đối với những "điểm không đồng" thuộc về bản chất.
Thứ hai, một khi hạ thấp hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ hạn ngạch, thì cạnh tranh trong thương mại sẽ trở nên quyết liệt và quyết định thắng thua. Hàng hóa không có sức cạnh tranh sẽ không xuất khẩu được, không những thế còn bị hàng ngoại nhập khẩu đánh bại hàng nội, các doanh nghiệp trong nước có thể phá sản, trì trệ, số người thất nghiệp và thiếu việc làm có thể tăng lên. Hạ thấp hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ hạn ngạch thì hàng ngoại từ các nước có trình độ công nghệ tiên tiến, vừa rẻ lại vừa có chất lượng cao, sẽ tràn ngập vào nước ta, làm cho chủ trương "nội địa hóa" trong công nghiệp của ta sẽ mất ý nghĩa, tác dụng... nền kinh tế có thể lâm vào tình trạng lệ thuộc nước ngoài.
Dĩ nhiên, không vì e ngại như vậy mà ta không dám tham gia WTO, mà chính tình huống đó buộc nền kinh tế dân tộc ta phải bừng tỉnh dậy, ra sức cải tiến tổ chức quản lý, tạo ra hàng hóa rẻ, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, thích ứng đúng quy luật của thị trường. Như thế, chính là nâng cao chất lượng phát triển của nền kinh tế nước ta, tạo ra bước ngoặt mới tiến lên của nền kinh tế nước nhà. Phải phấn đấu vượt qua thách thức này.
Từ những cơ hội và thách thức trên đang yêu cầu nước ta phải chuẩn bị thật tích cực và chu đáo để tham gia WTO có hiệu quả.
Một là, nâng cao hiểu biết cho toàn dân về WTO, về việc tham gia WTO, đặc biệt chú trọng đối với những người hoạt động kinh doanh, kể cả trong công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ. Phải xây dựng ý thức nâng cao chất lượng nền kinh tế nước ta, từ ý thức và năng lực cạnh tranh cho đến vận dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và quản lý, xây dựng môi trường kinh doanh đúng đắn. Ðây cũng là chuẩn bị nội lực tốt nhất, tích cực nhất để tham gia WTO.
Hai là, tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh đúng đắn theo tinh thần bảo đảm độc lập tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, từ việc bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi pháp luật và chính sách, cho đến việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển và chấn chỉnh quản lý các doanh nghiệp tư nhân.
Ba là, tất cả các doanh nghiệp, từ công nghiệp, dịch vụ cho đến nông nghiệp đều phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dù hàng hóa xuất khẩu hay lưu thông nội địa.
Bốn là, tiến hành đàm phán tích cực, khéo léo trên cơ sở hiểu biết tường tận luật lệ của WTO, thị trường thế giới, tình hình thị trường và luật pháp kinh tế của các nước đối tác chính trong WTO, hiểu biết sâu sắc, kiên định vững vàng về đường lối chính trị, đường lối kinh tế, đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng an ninh của Ðảng và Nhà nước ta. Ðặc biệt, phải vững vàng, cẩn trọng trong những lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến độc lập tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn những lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bưu chính - viễn thông, truyền thông đại chúng...
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, Ðảng và Nhà nước không chia sẻ với ai quyền lực nắm và sử dụng các công cụ tư tưởng, qua đó thực hiện quyền lực truyền bá và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng. Về thực chất đó cũng là bảo đảm một chế độ, một nhà nước mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Việc tham gia WTO là một yêu cầu khách quan của sự phát triển nền kinh tế nước ta, theo đó có những cơ hội mới xen lẫn những thách thức mới. Vận dụng tốt cơ hội, vượt qua được thách thức thì việc gia nhập WTO sẽ đánh dấu một bước ngoặt trên con đường chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trên con đường phát triển kinh tế nước nhà. Chuẩn bị tích cực, chu đáo sẽ là một phần của sự bảo đảm tham gia WTO có hiệu quả.