Sau bão số 3, tài sản, công sức của những người làm nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Gia Lộc gần như mất trắng. Khoảng 65% hệ thống nhà màng, nhà lưới bị sập đổ hoàn toàn, diện tích còn lại đa phần hư hỏng nặng. Hộ thiệt hại ít cũng mất chừng 500-700 triệu đồng, phần lớn chịu thiệt hại từ 1-3 tỷ đồng.
Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn có 450.000 m2 nhà màng, nhà lưới của 110 hộ dân. Bão gây sập đổ hoàn toàn 300.000 m2 và làm hư hỏng nặng 150.000 m2, tổng thiệt hại về tài sản và hoa màu ước 180 tỷ đồng.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức chia sẻ: Sau bão, các thành viên hợp tác xã vô cùng hoang mang bởi thiệt hại quá lớn, không biết khi nào mới khắc phục được. Song song với thiệt hại vật chất là gánh nợ ngân hàng, làm sao tìm kiếm nguồn vốn và các nguồn lực hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Cùng với đó, việc tìm kiếm, huy động thợ cơ khí đến để dựng lại hệ thống nhà màng sau bão cũng rất khó khăn, giá cả và vật tư kèm theo công thợ cũng tăng chóng mặt. Khi đó, mọi người chỉ hy vọng đến cuối năm, các hộ dân khôi phục được khoảng 50% đã là tốt.
Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực của các thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 11, hầu hết diện tích nhà màng bị sập và hư hỏng đã được dựng lại và đưa vào canh tác. Có được điều đó là bởi Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng khoanh lại nợ gốc và lãi, tiếp tục cho các thành viên hợp tác xã vay vốn để khôi phục sản xuất theo phương châm “cho vay bằng số tiền nợ gốc”. Được khoanh nợ, được tiếp tục vay vốn và quan trọng nhất là lợi nhuận rất cao từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã kích thích người dân nỗ lực khôi phục sản xuất.
Suốt 2 tháng sau bão, không chỉ ban ngày, về đêm trên các cánh đồng xã Phạm Trấn luôn lập lòe ánh lửa hàn, tiếng máy cưa cắt và tiếng cười nói tíu tít động viên các tốp thợ làm việc năng suất, chất lượng và hiệu quả. Với 300.000 m2 nhà màng phải dựng lại, công việc thì nhiều, trong xã lại chỉ có 2 đội cơ khí cho nên người dân rất lo lắng trong việc khôi phục sản xuất. Tuy vậy, dù giá công thợ sau bão tăng 30-50%, song các thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức ngay sau bão đã khẩn trương thuê hàng chục tốp thợ cơ khí từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình… về giúp.
Chỉ hơn 30 ngày sau bão, nhiều hộ dân đã thu hoạch lứa dưa leo (dưa chuột đầu tiên), năng suất đạt 3-4 tấn/ sào, khi đó sau bão, giá rau xanh tăng cao, bỏ rẻ mỗi sào cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Gần 3 tháng sau bão, phần lớn các hộ trồng dưa vàng đều thu nhập cao với giá trị bình quân 50 triệu đồng/sào, tiêu biểu là gia đình các ông Hoàng Anh Thư, Phùng Danh Viên, Trần Văn Quang…
Anh Hoàng Văn Độ (xã Phạm Trấn) kể: Sau bão, mưa thuận gió hòa, đồng đất rất ít sâu bệnh cho nên việc phục hồi sản xuất của bà con rất thuận lợi. Các loại dưa leo, dưa lưới (dưa vàng) vừa được mùa, vừa được giá cho nên các hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất phấn khởi. Trong bão số 3,
gia đình anh Độ có 7.200 m2 nhà màng bị sập đổ hoàn toàn, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Sau khi khôi phục lại hệ thống nhà màng, anh nhanh chóng trồng 1,3 mẫu dưa vàng với 10 nghìn cây và đã cho thu hoạch. Mỗi sào dưa vàng vụ này nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho thu 50-60 triệu đồng. Nhà ông Phùng Danh Út cũng thu hoạch hơn 20 tấn dưa vàng, thu về gần 700 triệu đồng.
Huyện Gia Lộc là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Hải Dương với tổng diện tích nhà màng khoảng 530.000 m2, chiếm gần 60% diện tích nhà màng trong tỉnh. Bão số 3 tràn qua đã tàn phá vùng sản xuất vô cùng nặng nề, thiệt hại ước hơn 200 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đoàn Thượng cho biết: Xã có
52.431 m2 nhà màng thuộc sự quản lý của 11 hộ dân. Hộ nhiều nhất là gia đình ông Hoàng Văn Thức có 9.832 m2, hộ ít nhất có 2.500 m2. Trong bão số 3 có 48.780 m2 bị sập đổ hoàn toàn, thiệt hại ước khoảng 18 tỷ đồng. Sau bão, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, lực lượng công an, quân sự trong xã đã huy động nhân lực tập trung thu dọn đồng ruộng và hỗ trợ các hộ dân khôi phục sản xuất. Được các ngân hàng hỗ trợ áp dụng việc khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn, cùng với việc huy động nguồn vốn tự có và trong nội bộ nhân dân, đến nay các hộ dân đã vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục lại hơn 95% diện tích và thu hái được thành quả.
Dạo quanh cánh đồng xã Đoàn Thượng, hệ thống nhà màng của gia đình các ông Nguyễn Đình Nhuận, Phạm Hữu Phồn, Nguyễn Đình Sáng, Nguyễn Văn Hồng đã được khôi phục hoàn toàn và đang cho thu hoạch dưa chuột, dưa vàng. Có những khu nhà màng sau khi thu hoạch xong, người dân đang khẩn trương dọn dẹp, lên luống để trồng gối tiếp vụ sau. Với tình hình sản xuất thuận lợi, giá cả ổn định dự kiến chỉ sau một năm canh tác (3-4 vụ) các hộ có thể khắc phục toàn bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Huyện Gia Lộc đang tập trung xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra chuỗi giá trị khép kín. Việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm rủi ro cho nông dân ■