Gia Lai phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn khoảng 6%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động nghề nông thôn gấp 2,5 lần so với năm 2025; giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề đạt hơn 421 triệu USD/năm. Đến năm 2045, phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của địa phương; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Gia Lai chú trọng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc bản địa.
Gia Lai chú trọng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc bản địa.

Theo kế hoạch, định hướng, Gia Lai sẽ phát triển ngành nghề nông thôn theo sáu nhóm, gồm: nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nhóm sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Kon Tum tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng El Nino vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ gia tăng cường độ gây nắng nóng, khô hạn cho nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Gia Lai phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ảnh 1

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, tỉnh Kon Tum tuần tra phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; bố trí kinh phí của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Xác định cụ thể các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn quản lý để bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ cháy rừng; đồng thời tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực này; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kịp thời phát hiện điểm cháy khi mới phát sinh, huy động lực lượng khống chế và dập tắt không để xảy ra cháy lớn.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay các hoạt động dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.

Ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại Quảng Sơn

Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nằm trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông phối hợp với địa phương tổ chức.

Mô hình gồm có 118 thành viên là cán bộ, hội viên các hội, đoàn thể ở địa phương. Các thành viên của mô hình hoạt động dưới sự điều hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và UBND xã. Sau khi thành lập, mô hình sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong lĩnh vực gia đình, bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; hỗ trợ, tiếp nhận, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình. Mô hình là nơi chia sẻ những bất hòa, gửi gắm những tâm tư, vướng mắc trong cuộc sống gia đình để giảm đến mức thấp nhất hậu quả của bạo lực gia đình, đáp ứng nhu cầu cần giúp đỡ của người dân, hội viên, phụ nữ trên địa bàn.