Gia Lai khẩn trương ứng phó với hạn hán

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều địa phương ở tỉnh Gia Lai đang đứng trước nguy cơ khô hạn nặng, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân. Ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương ở Gia Lai đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai lắp đặt máy bơm để tưới nước cho cây cà-phê.
Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai lắp đặt máy bơm để tưới nước cho cây cà-phê.

Gồng mình chống hạn

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây. Anh Nguyễn Sỹ Thừa ở làng Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho hay: Gia đình anh có 1,5 ha cà-phê ngay sát hồ Bầu Nai. Những năm trước, nguồn nước hồ đủ tưới cho cây trồng.

Năm nay, nắng hạn cộng với việc ở gần khu vực này có thêm người dân trồng khoai lang sử dụng nhiều nước tưới cho nên khi bắt đầu tưới nước đợt 3 cho cây cà-phê thì hồ cạn trơ đáy. “Hiện tại, tôi và một số hộ dân ở đây phải đầu tư máy bơm, ống trung chuyển nước cách hồ này khoảng 1 km để cứu vườn cà-phê. Nếu như bình thường để tưới 1 ha cà-phê chỉ mất khoảng 1-1,2 triệu đồng tiền dầu thì nay chi phí tăng lên gấp 3 lần. Mọi năm, thời tiết thuận lợi, chúng tôi chỉ tưới 3 đợt, nhưng năm nay, tôi tưới đến đợt thứ 5 rồi mà vẫn chưa có mưa”, anh Thừa chia sẻ.

Cũng đang loay hoay đưa nước từ nơi khác về để cứu gần 4 ha cà-phê của gia đình, anh Trần Ký cho biết, 6 tháng trời không có hạt mưa nào. Mấy hộ chung quanh phải góp khoảng 20 triệu đồng để thuê máy múc sâu xuống lòng hồ và sử dụng máy bơm đưa nước về để cứu cây trồng. “Giờ tốn kém bao nhiêu cũng phải cố gắng cứu lấy cây trồng. Chúng tôi phải chuyển nước từ 3 hồ khác về đây nhưng cũng chỉ cầm cự chờ mưa. Bình thường 1 ha cà-phê chỉ tốn công tưới khoảng 3 ngày nhưng nay phải mất cả tuần mới xong. Lý do là cứ tưới 2-3 giờ lại phải nghỉ để chờ đưa nước về”, anh Ký nói.

Tương tự, nhiều hộ dân trồng cà-phê gần khu vực hồ thủy lợi Ia Hrung, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai cũng đang loay hoay tìm nguồn nước tưới. Ông Lê Văn Thái ở làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung cho biết: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài nhiều tháng mà không có mưa. Nhà tôi có 5 sào cà-phê chuẩn bị tưới nước đợt 4 mà hồ cạn hết nước rồi. Người dân phải chắt chiu từng giọt nước mạch để cầm cự chờ mưa thôi”.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đợt nắng nóng. Tính đến ngày 20/4, toàn tỉnh có gần 300 ha cây trồng bị hạn, ước giá trị thiệt hại khoảng 7,26 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại nặng nhất do hạn hán là huyện Phú Thiện với khoảng 88,37 ha cây trồng, ước giá trị hơn 4,73 tỷ đồng.

Tìm giải pháp cho cây trồng

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay khắc nghiệt hơn so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài từ 15 đến 20 ngày, nền nhiệt cao hơn từ 0,8 đến 1,3 độ C, lượng mưa thâm hụt 10-25%, mùa mưa đến chậm hơn 15-20 ngày so với những năm trước.

Trước nguy cơ hạn hán trên diện rộng tại nhiều địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Ngày 17/4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn, thiếu nước và đề xuất các phương án xả nước về hạ du của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, nền nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng còn vượt ngưỡng lịch sử năm 2020, tại thị xã Ayun Pa là 41,5 độ C, tại thị xã An Khê là 40 độ C sẽ rất nguy hiểm dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa giông, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

“Theo dự báo, mùa mưa năm 2024 ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-20 ngày. Tuy nhiên, trong những tháng mùa mưa (tháng 6 và 7), lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng trong tháng 6 và 7, số ngày mưa sẽ bị gián đoạn (do hạn bà Chằn) cho nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa là rất lớn. Các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất”, ông Huấn cảnh báo.

Theo Công văn số 824/UBND-NL về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện… theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán; các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền ban hành. Xây dựng phương án phòng chống hạn cụ thể cho từng công trình, ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Trong quá trình vận hành, trường hợp phát sinh thêm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, phải chủ động xả nước để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du phục vụ sản xuất và nước cấp cho sinh hoạt của người dân.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Trước mắt, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước; theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm, tưới giữa cây cà-phê và cây lúa nước; tổ chức bơm tưới cả ngày đêm khi có nước để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, tiếp tục cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn; huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ để tích nước chống hạn nhằm phát huy hiệu quả, hạn chế thất thoát nước tưới…

“Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng diện tích được phục vụ nước tưới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi, dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu CAMIS - ADB9 để nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng diện tích tưới ở các hệ thống thủy lợi”…, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm.