Theo đó, thời gian gần đây, giá gừng củ Kỳ Sơn tăng mạnh và hiện đang ở mức khoảng 35 nghìn đồng/kg, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước cũng như giá đầu mùa. Hiện bà con các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn tiêu thụ được khoảng hơn 2.000 tấn, cho thu nhập khoảng hàng chục tỷ đồng. Hầu hết số gừng trên được các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đây là giống gừng bản địa được bà con dân tộc thiểu số trồng ở độ cao trên 700 mét, nơi có sương mù bao phủ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khiến gừng Kỳ Sơn có chất lượng đặc thù, vượt trội và khác biệt so với các giống gừng ở những nơi khác.
Cũng theo Phó chủ tịch La Văn Chánh, giá gừng Kỳ Sơn tăng mạnh là nhờ sau khi UBND huyện tổ chức thực hiện Đề án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gừng Kỳ Sơn” và Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận bảo hộ tại Quyết định số 5587/QĐ-CSHTT ở 15 xã vùng cao dọc biên giới với diện tích quy hoạch gần 1.000 ha. Huyện Kỳ Sơn cũng đã công bố quyết định chỉ dẫn địa lý trên. Nhờ có chỉ dẫn địa lý mà bà con được hướng dẫn trồng đúng quy trình kỹ thuật, cùng việc sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, logo bao bì đóng gói đẹp đã góp phần nâng cao vị thế, tên tuổi và cùng cố lòng tin người tiêu dùng với sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”.
Kiểm tra phát triển của gừng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện huyện Kỳ Sơn đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân cùng tổ chức liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” thành thương hiệu Ocop mạnh của địa phương và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm để góp phần giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở vùng núi, biên giới Nghệ An.