Giá trị giao dịch toàn Sở giảm về quanh ngưỡng 4.900 tỷ đồng trong phiên hôm qua. Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể so mức trung bình của tuần trước, nhưng con số này vẫn là rất tích cực, xét trên giai đoạn từ đầu năm đến nay. Trong đó, nhóm năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng đến gần 50%.
Giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 3,46% xuống 98,54 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,76% xuống 102,16 USD/thùng.
Sự suy giảm sức mua hàng hóa nói chung và giảm mua năng lượng nói riêng của Trung Quốc tạo ra lo ngại lớn trên thị trường. Theo ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể giảm đến 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương khoảng 1,2% nhu cầu toàn cầu.
Trong khi nhu cầu suy yếu dần, nguồn cung dầu lại được nhận định có thể không sụt giảm như dự đoán ban đầu. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ hôm qua cho biết, nước này sẽ tăng dần nguồn cung dầu lên để bù đắp cho sự thiếu hụt 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Theo đó, thị trường trước mắt sẽ được bổ sung 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng thông qua các lần mở kho dự trữ chiến lược. Sản lượng dầu nội địa cũng được kỳ vọng sẽ dần tăng lên và gây áp lực lên giá.
Bên cạnh đó, dữ liệu theo dõi tàu chở hàng của Bloomberg cho thấy lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 22/4 vẫn duy trì ở mức 4 triệu thùng. Lượng dầu bán sang thị trường châu Á tăng dần lên khi mà chênh lệch giữa giá dầu Brent và giá sản phẩm chủ lực của Nga, dầu Urals vẫn duy trì ở mức trên 30 USD/thùng.
Thêm vào đó, mặc dù các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 vào Nga, tuy nhiên, khả năng khối mạnh tay cấm vận dầu khí từ Nga là tương đối thấp. Một số thành viên như Đức và Hungary đã lên tiếng phản đối ý định cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Trên thị trường nội địa, liên Bộ Công thương-Tài chính đã quyết định tăng giá xăng từ ngày 21/4, mức tăng dao động từ 600 đến gần 1.000 đồng/lít.