Nếu ở Hà Nội, đã ra đời các 'phố sách' như Ðinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền... thì ở TP Hồ Chí Minh có đường Nguyễn Thị Minh Khai bán nhiều loại sách. Hằng ngày tại các cửa hàng có số đầu sách phong phú, đẹp và rất đa dạng ở các 'phố sách', người tấp nập ra vào, có thể chọn mua những cuốn sách theo ý muốn. Ngoài ra, cần phải kể tới nhiều đoạn phố có bày bán sách trên vỉa hè vào các buổi chiều, như ở Hà Nội là phố Tô Hiệu, Ðường Láng,...
Tuy nhiên, có một hiện tượng đáng quan tâm là giá sách ở các địa chỉ này thường được bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá in ở bìa. Thường thì tại Hà Nội, giá sách được giảm từ 20% đến 30% giá bìa, ở TP Hồ Chí Minh con số này từ 10% đến 20%. Cá biệt gần đây, một cửa hàng sách ở đường Phạm Văn Ðồng - Hà Nội treo biển quảng cáo sách giảm giá từ 30% đến 70%. Nếu là sách cũ hoặc sách ế, có thể giải thích các cửa hàng bán hạ giá để thu hồi vốn. Nhưng ngay cả sách mới và hay vừa phát hành cũng hạ giá như vậy. Như cuốn Hồ sơ á thần (Rick Riordan, NXB Thời đại) nằm trong bộ tiểu thuyết có tên trong 'top 10' sách bán chạy nhất Fahasa năm 2010, giá bìa sách 31.000 đồng, giá giới thiệu trên vinabook.com cũng là 31.000 đồng, tuy nhiên nếu đến 'phố sách' Ðinh Lễ là có thể mua cuốn này với giá 25.000 đồng, tức là đã giảm 6.000 đồng. Liệu có thể coi đây là 'sách in lậu', khi Hồ sơ á thần phát hành đầu tháng 6-2011 với đầy đủ mã vạch của Fahasa in chìm và tem của Chibook - đơn vị tổ chức dịch sang tiếng Việt và xuất bản? Theo dư luận thì tình trạng được gọi là 'giảm giá' trên đây có nguồn gốc từ khi in và phát hành một cuốn sách, người kinh doanh thường in lên bìa sách một cái giá cao hơn tổng chi phí đích thực của cuốn sách (như chi phí bản quyền, biên tập, giấy, công in...). Phần giá dôi ra này dành để các cấp phát hành chiết khấu thu lợi. Vì thế, người mua sách ở cấp cuối cùng sẽ phải mua cuốn sách bằng 100% giá bìa, đó là một cái giá 'ảo' mà người kinh doanh sách gán cho cuốn sách. Và đây chính là lý do làm cho người có thu nhập thấp và nhiều học sinh, sinh viên bước vào cửa hàng sách rồi phải lắc đầu quay ra, sau khi nhìn giá cuốn sách mà họ muốn mua.
Khi sách trở thành một loại hàng hóa thì việc kinh doanh sách phải có lợi nhuận, và đó là điều không bàn cãi, nhưng lợi nhuận như thế nào lại là việc phải bàn. Trước hết, sách là một loại hàng hóa đặc biệt, những tri thức và giá trị chứa đựng trong cuốn sách có khả năng góp phần vào sự phát triển đời sống tinh thần của con người, nên không thể kinh doanh như hàng hóa thông thường. Tiếp nữa, không thể lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước với quá trình sản xuất - phân phối - tiêu dùng sách để trục lợi một cách vô trách nhiệm, xâm phạm tới lợi ích của người tiêu dùng. Xã hội học tập, xã hội tri thức luôn cần tới vai trò của sách và do đó, bên cạnh việc quản lý chất lượng các cuốn sách, cơ quan hữu quan cần quan tâm đến giá bán của sách, để sách có thể đến với công chúng rộng rãi.