Kinh doanh thương mại: không chỉ là hoạt động trực tiếp
Theo hướng dẫn của Nghị quyết lần này, cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể phải là những cá nhân, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Hoạt động kinh doanh, thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh, thương mại mà còn bao gồm cả các hoạt động khác phục vụ, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại.
Đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được hiểu là không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức đó phải có đăng ký kinh doanh mà chủ thể này có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thương mại. Nếu chỉ một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có thì tranh chấp mang tính dân sự và Tòa Dân sự sẽ thụ lý giải quyết.
Thay đổi người tiến hành tố tụng: phải có quan hệ thân thích
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của BLTTDS, người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ là người thân thích của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan) trong vụ án dân sự. Thời gian qua, việc hiểu như thế nào là "người thân thích" vẫn còn nhiều ý kiến không thống nhất nhau. Theo quy định mới, chỉ những người sau đây mới được xem là người thân thích của người tiến hành tố tụng, đó là: vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột; bác, chú cậu cô dì ruột; cháu ruột của đương sự mà đương sự là ông bà nội, ông bà ngoại, bác, chú, cậu, cô dì ruột.
Về khái niệm "có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ..." được quy định là những trường hợp người tiến hành tố tụng có mối quan hệ tình cảm, thông gia, quan hệ kinh tế, quan hệ công tác. Cũng được coi là có căn cứ để cho rằng người tiến hành tố tụng không khách quan, vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên tòa mà kiểm sát viên (KSV), Thẩm phán, hội thẩm nhân dân (HTND), Thư ký là người thân thích với nhau hoặc nếu KSV, Thẩm phán được phân công xét xử vụ án phúc thẩm có người thân thích là KSV, Thẩm phán, HTND đã tham gia xét xử sơ thẩm vụ án đó.
Tại phiên tòa, người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng phải trình bày rõ lý do và căn cứ của việc thay đổi. Yêu cầu này phải được ghi rõ vào biên bản phiên tòa. Việc chấp nhận hay không yêu cầu của đương sự được HĐXX thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.
Ghi chép, sao chụp tài liệu: phải làm đơn
Theo quy định tại Điều 58 BLTTDS, đương sự có quyền ghi chép, sao chụp tài liệu chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập. Về vấn đề này, nghị quyết quy định đương sự chỉ được sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa mở phiên xét xử. Khi có yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ đương sự phải làm đơn gửi tòa án có thẩm quyền. Nếu họ trực tiếp đến Tòa trình bày yêu cầu này thì cũng phải thể hiện bằng văn bản nộp cho tòa. Trường hợp đương sự không biết chữ thì cán bộ tòa án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ. Đơn hoặc văn bản yêu cầu phải ghi rõ tài liệu chứng cứ nào cần ghi chép, sao chụp.
Trên cơ sở đề nghị của đương sự, Tòa án tạo điều kiện để cho họ ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ. Để đảm bảo chế độ bảo quản hồ sơ vụ án, tòa chỉ cung cấp cho đương sự những tài liệu, chứng cứ cần sao chụp, ghi chép. Các tài liệu này phải liên quan đến vụ án và không liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư.
Cấp giấy Chứng nhận người bảo vệ quyền lợi đương sự: không phải xuất trình hợp đồng dịch vụ pháp lý
Người được đương sự mời làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, nếu muốn được cấp giấy chứng nhận bào chữa phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu, gồm: giấy giới thiệu của văn phòng luật sư nơi người bảo vệ là thành viên hoặc có hợp đồng làm việc cử người này tham gia tố tụng tại tòa án và thẻ luật sư; đối với người khác phải có văn bản thể hiện ý chí đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; văn bản của UBND xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan tổ chức nơi họ làm việc xác nhận không có tiền án, không bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở chữa bệnh cơ sở giáo dục và quản chế hành chính; không phải là cán bộ công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an và một trong các loại giấy tờ tuỳ thân (CMND, sổ hộ khẩu...).
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ, tài liệu, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét giải quyết. Nếu họ có đủ điều kiện thì tòa cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự, nếu không đủ thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự và người bị từ chối biết lý do không chấp nhận. Trong quá trình giải quyết, nếu người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự có một trong các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng theo Điều 385 BLTTDS thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lập biên bản về việc vi phạm này. Nếu xét thấy để người vi phạm tiếp tục tham gia tố tụng sẽ không khách quan cho việc giải quyết vụ án thì Tòa án có quyền không chấp nhận họ tiếp tục tham gia, đồng thời báo cho đương sự và người đó biết.