Chúng tôi đến buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh (Phú Yên) hỏi nhà ông Lô Mô Y Choi, thì rất ít người biết. Ở đây, bà con vẫn quen gọi ông là già làng Ma Luê (tên con đầu của ông, tức là cha thằng Luê). Sức khỏe đã yếu đi nhiều, ông không nhớ chính xác tuổi mình là bao nhiêu nữa, chỉ nhớ trong hồ sơ cán bộ ghi sinh năm 1930. Nhưng khi nhắc đến bài thơ “Cô gái vót chông” là mắt ông sáng lên, với nụ cười đôn hậu, ông kể: “Năm 1965, đang công tác ở miền bắc, qua đài phát thanh, nghe phong trào vót chông rào làng đánh Mỹ, mình muốn về tham gia, nhưng tổ chức không cho. Đêm đêm mình nghĩ tới hình ảnh các cô gái trong buôn tham gia vót chông, đánh giặc. Thế là mình viết bài thơ này. Bài thơ được đăng báo Văn Nghệ, được giải thưởng và nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc thành bài hát…”.
Lô Mô Y Choi mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên sáu tuổi. Ở với người dòng họ, cậu bé dân tộc Ê Đê sớm giác ngộ cách mạng, rồi vào bộ đội đánh giặc giữ làng. Năm 1954, rời buôn làng tập kết ra bắc, được học chữ, rồi được học nghiệp vụ sư phạm, sau đó học lớp bồi dưỡng về xuất bản. Giai đoạn này, hình ảnh quê hương đang bị giặc giày xéo khiến lòng ông như lửa đốt. Đã có lần ông xin cấp trên cho về lại Tây Nguyên tham gia đánh Mỹ, nhưng lại được tổ chức phân công ở lại công tác ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc từ năm 1962. Từ đó, ông bắt đầu viết báo, làm thơ.
Bài thơ “Cô gái vót chông” cũng là tác phẩm đầu tay, đã đoạt giải khuyến khích của tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1965. Chính giải thưởng này đã khích lệ Ma Luê viết nhiều hơn, chắc tay hơn với những bài thơ mang hơi thở của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, như “H Ni”, “Em chờ’, “Em của núi rừng”… được đăng tải trên các báo. Ma Luê từng bộc bạch: Hình ảnh cô gái sông Ba đầu búi tóc thon trong bài thơ “Cô gái vót chông” chính là hình ảnh bà Ksor H'Ðô, vợ ông sau này. Ngày ấy, tạm biệt núi rừng đi tập kết ra bắc, ông hẹn bà sẽ có ngày gặp lại. Hơn mười năm sau năm 1967, Ma Luê mới trở lại quê hương, tham gia đánh giặc Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên và làm công tác tuyên truyền. Và rồi nguyện ước trong lời bài thơ cũng đã thành: “Mai đây giặc chạy rồi. Tre rừng ta làm nhà, làm chòi cao”.
Được nghỉ chế độ từ năm 1989, ông về lại buôn Thinh, dựng lại nếp nhà sàn tranh tre truyền thống. Với uy tín của mình, ông tiếp tục tham gia công tác cùng địa phương với các chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Ea Trol, bí thư chi bộ buôn Thinh… Rồi sau này với vai trò là già làng, người có uy tín trong cộng đồng, ông đã thật sự là chỗ dựa tin cậy cho bao lớp cán bộ, cho các phong trào xây dựng buôn làng. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Sự cống hiến không mệt mỏi, những kinh nghiệm quý báu của bác Ma Luê thật sự làm cho mọi hoạt động của cơ sở đi vào chiều sâu, đến từng gia đình, tạo sự tin tưởng giữa ý Đảng, lòng dân, là điều kiện tốt để đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.