“Mẹ giờ này ở chốn rất xa, trong mơ con đã thấy mẹ. Mẹ dịu dàng hát khúc ca, sao con thấy mẹ buồn. Nhìn cánh đồng xa xanh, con nhớ mong về mẹ. Mẹ trở về với con, ấm áp bên mái nhà…”. Khi nghe những em bé ở trại trẻ mồ côi Hà Đông hát những lời ca trong bài hát “Gặp mẹ trong mơ”, chúng tôi không khỏi rưng rưng.
“Con thích Tết vì Tết đến con được gặp Mẹ” – bé Nguyễn Thị Minh Ngọc, tám tuổi thổ lộ về ước mơ giản dị mỗi dịp Tết về. Nhà Ngọc có bốn chị em, chị gái Nguyễn Thị Minh Yến (10 tuổi) cũng lên đây cùng Ngọc, còn hai em ở nhà với bố mẹ. Hai chị em Ngọc lên đây chưa đầy một năm. Bố bị mù, mẹ sức khoẻ yếu không đủ khả năng nuôi con. Ông Ngọc đưa hai cháu lên gửi trung tâm, rồi dặn dò hai chị em ở trên đây học cho tốt.
Những ngày đầu, đêm nào Ngọc cũng khóc vì nhớ nhà. Nhưng rồi trẻ con nhanh quên, nói thật: “Thỉnh thoảng lúc nào buồn con mới nhớ mẹ, chẳng hạn như khi bị điểm kém hoặc các anh chị trêu con”.
Vừa đẩy lửa vào nồi bánh chưng, vừa khều khều mấy củ khoai nướng, Phan Phú Tiến (11 tuổi, quê Thanh Oai – Hà Tây) quay sang bảo với tôi: “Khoai nướng không ngon bằng cá nướng đâu cô ạ. Con chưa bao giờ ăn cá nướng, nhưng con đoán thế, khoai thì ăn cho chán rồi”.
Vừa được hai tuổi Tiến đã được dì đưa lên trung tâm gửi, ấy là Tiến nghe chị gái mình kể lại như thế. Bố bỏ vào miền nam cờ bạc, sống hay chết không biết, mẹ đi làm xa nhà, ông bà cũng đã mất. “Mẹ bận đi bán rau quả nên không gọi điện cho con, chỉ có cậu gọi thôi. Hồi bé con hay nhớ mẹ thì thích ở quê hơn, bây giờ biết rồi thỉnh thoảng mới nhớ thôi, thích ở đây hơn” - Tiến kể. Rồi em lại hồ hởi khi nhắc đến Tết: “Con thích Tết, Tết được về quê thăm mẹ, thích quà Tết nữa”. Dè dặt hơn, Bình (quê Ba Vì, năm nay 19 tuổi) chia sẻ hoàn cảnh mất cả bố lẫn mẹ, nhưng vẫn còn ông bà và chú, dì. Rất nhiều nốt lặng trong câu chuyện của chúng tôi, bởi lẽ Bình không mấy khi tâm sự với mọi người về mình. “Vì em thiếu thốn tình cảm gia đình, và cũng mặc cảm nữa” – Bình nói, rất nhỏ, như nói với chính mình. Tết với Bình đặc biệt hơn những ngày thường vì em được về với ông bà, với quê hương - nơi có phần mộ của bố mẹ em.
Tôi nhớ lời của Tuyến (19 tuổi): “Mẹ mình vẫn hơn chứ chị, kể cả ít gần nhưng tình cảm vẫn nhiều. Em thích Tết, và cũng thích cả hè, lúc đó em được về quê, vì em ít được về quê”. Tôi nghĩ, có lẽ mọi đứa trẻ đều vậy, dù có một nơi tốt hơn ở nhà, dù có một người mẹ khác thay thế, thì tình cảm thiêng liêng với người mẹ mang nặng đẻ đau mình cũng không thể nào nhạt phai.
Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, Thành phố Hà Đông đang nuôi dưỡng 55 em và chia thành bốn gia đình, mỗi gia đình có 14 thành viên. Trong tổng số 55 em được nuôi dưỡng tại trung tâm thì các em đều có hoàn cảnh và số phận khác nhau. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em là con thương binh, con liệt sĩ, nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi dịp Tết về, như mọi đứa trẻ khác, các em đều muốn được về quê, được lì xì, được ngắm pháo hoa. Và hơn hết, ước mơ của mỗi đứa trẻ là được gặp mẹ.
“Ai chả thế hở cô” – bé Tô Đinh Thiện Vương đã khẳng định với tôi như vậy.
Bánh chưng xanh ngày Tết
Cứ mỗi lần Tết đến, các mẹ ở trung tâm mồ côi cũng bày biện cành đào, nấu một nồi bánh chưng nhỏ, làm các bữa cỗ mang hương vị ngày Tết. Những ngày này, rất nhiều tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho các em, mỗi người một ít cũng thành nhiều. Ngày Tết, các mẹ đưa các con đi chơi, thăm gia đình hàng xóm, láng giềng.
Hai năm trở lại đây, các em hầu như về quê ăn Tết hết, chỉ còn các mẹ ở lại thay phiên nhau trực. Cô Trần Thục Ninh – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trước đây có một số em thân nhân không đón về quê ăn Tết. Cách đây hai năm, chúng tôi nói chuyện với thân nhân các con, không phải chúng tôi không nuôi được các con mấy ngày Tết, nhưng ngày Xuân là ngày họp mặt, sum vầy, ngày để nhớ về cội nguồn, để các con trên này, các con rất tủi thân. Về quê ngày Tết cũng là dịp các cháu nhớ về tổ tiên, biết được anh em, họ hàng. Từ sau đó, sớm tối gì trong ngày 30 Tết, thân nhân các con lại đón về. Thực ra cũng vì hoàn cảnh khó khăn thôi”.
Tết năm nay ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu – Hà Đông đặc biệt hơn vì có đoàn giảng viên, sinh viên tình nguyện của Học viện Y dược học cổ truyền đến tổ chức gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ cùng các em. Gần 90 chiếc bánh chưng được gói, 10 suất học bổng trao cho 10 em có thành tích học tập tốt, rất nhiều phong bao lì xì được chuẩn bị. Các em được hướng dẫn gói bánh chưng, tự tay trang trí phòng đón Tết. Và trong không khí ấm cúng, bên ngọn lửa tí tách của nồi bánh chưng, mọi người cùng nắm tay nhau hát những bài ca đón Xuân về.
Thầy Lữ Đoàn Hoạt Mười - trưởng nhóm tình nguyện chia sẻ: “Cũng đã lâu rồi tôi mới có cảm giác háo hức đợi chờ vớt bánh chưng. Đặc biệt chia sẻ cảm xúc ấy với các bạn tình nguyện viên trẻ và các em nhỏ ở trung tâm. Một chương trình tuy nhỏ nhưng nhận được sự ủng hộ rất đông bạn bè trong ngoài nước và thầy cô cùng các bạn học sinh. Khi chương trình kết thúc, niềm vui thật khó tả khi tôi được nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc của các em và các mẹ trong trại trẻ. Chúng tôi đã mang được một cái Tết ấm đến với các em nhỏ ở đây”.
“Trong năm mới này, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều tấm lòng nhân ái, không chỉ riêng với trung tâm chúng tôi, mà tất cả các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, ở vùng sâu vùng xa. Đặc biệt trong những ngày Tết gần kề, các cháu được hưởng niềm hạnh phúc như nhau” – cô Trần Thục Ninh tâm sự.
Khi tôi hỏi phong bao lì xì của con ở đâu, bé Thiện Vương bảo: “Con cất kỹ lắm, cô không tìm được đâu, con cất để về đưa cho mẹ sắm Tết”.
Năm nay, ngoài kẹo bánh các mẹ chuẩn bị, mỗi em ở trung tâm có thêm cặp bánh chưng về quê ăn Tết.
Đối với mọi đứa trẻ, dù có Mẹ hay không có Mẹ ,Tết bao giờ cũng đầy háo hức, mong chờ.
![]() |
Các em nhỏ được hướng dẫn cách gói bánh chưng.
![]() |
Khoe bánh chưng tự gói.
![]() |
Bánh được sắp vào nồi.
![]() |
Tâm sự bên bếp lửa.
![]() |
Một bếp lửa ấp ưu nồng đượm.
![]() |
"Canh" cho nồi bánh chín.
![]() |
Các tình nguyện viên và các em nhỏ tổ chức chương trình văn nghệ bên nồi bánh chưng.