Gánh nặng học thêm

Tại một lớp học của tập đoàn giáo dục Language Link.
Tại một lớp học của tập đoàn giáo dục Language Link.

Ngày chủ nhật, về quê giỗ ông nội, con gái tôi 12 tuổi nằn nì: “Mẹ ơi, cho con ở lại một tuần với bà…”. Vợ tôi gạt phắt đi: “Không được. Nghỉ một tuần mất bao nhiêu buổi học. Con có biết tiền học cho con tốn thế nào không? Chỉ riêng học phí một khóa tiếng Anh ở Trung tâm Language Link những hai triệu bảy, mà có 23 buổi học, tính ra mỗi buổi học hơn 100 nghìn cơ đấy”. Con bé phụng phịu: “Lúc nào mẹ cũng nói chuyện học. Ngày nào cũng học. Một tuần ba buổi học thêm ở trường, hai buổi học tiếng Anh ở trung tâm, rồi học kèm với gia sư… Con chẳng được nghỉ hè. Ước gì con được như các bạn ở quê”.

Mọi người đều lặng đi trước sự so sánh, ước muốn của con bé. Trẻ em ở quê thiếu thốn, lam lũ làm gì có điều kiện như trẻ em thành phố? Chúng lớn lên bình dị, tự nhiên như cây cỏ và tuổi thơ trong trẻo êm đềm, những ước mơ bay theo cánh diều lộng gió, những trò chơi dân gian náo nức say mê. Chúng không hề vương bận chịu áp lực trước gánh nặng học thêm mà người lớn áp đặt như trẻ em ở thành phố.

Ở  thành phố, chẳng riêng con gái tôi không được nghỉ hè, mà trẻ em ở Hà Nội phần đông cũng không có hè vì gánh nặng học thêm. Có rất nhiều cách thức học hè: học phụ đạo, bồi dưỡng, học ôn hệ thống hóa chương trình… cái nào cũng cần và có lý, lại là hoàn toàn tự nguyện. Bằng chứng là các bậc phụ huynh đều ký vào đơn (mẫu sẵn) đề nghị cô giáo chủ nhiệm lớp tổ chức cho các cháu học ôn luyện trong hè.

Để giữ tiếng, cô thuê chỗ làm lớp học ở nhà dân trong ngõ nhỏ gần trường. Việc này sẽ lặp lại khi bước vào năm học mới. Vậy là việc học thêm dù bị cấm vẫn diễn ra đều đều, trong năm học, trong hè. Chỉ khổ cho bọn trẻ. Con gái tôi nhiều lúc phàn nàn: Kiểm tra trên lớp để lấy điểm, cô thường ra đề bài đã được giải, được luyện kỹ ở lớp học thêm. Ai không học lớp đó, không giải  được, bị điểm kém.

Thậm chí, môn tiếng Anh, cháu học thêm ở Trung tâm Language Link do cô Angela người Anh dạy nên không có điều kiện học thêm ở trường. Bài kiểm tra trên lớp cháu làm theo cách dạy của cô giáo người Anh, bị cô giáo ở trường phê là sai, cho điểm kém. Về nhà cháu buồn bã, băn khoăn: Chẳng lẽ cô Angela lại dạy và nói tiếng Anh sai? Thôi thì đành đối phó bằng cách vừa học ở Trung tâm Language Link để nâng cao trình độ, vừa học thêm ở trường để… lấy điểm. Chỉ thương con bé có một môn học mà vừa học chính khóa ở trường, vừa phải học thêm cả ở hai nơi.

Việc học thêm theo kiểu “tự nguyện bắt buộc” kể trên là phổ biến đã là gánh nặng đối với trẻ em. Thế còn chưa đủ. Trong nhiều trường hợp, chúng còn chịu sức ép, là nạn nhân của sự kỳ vọng quá mức, sự ảo tưởng thậm chí là ngẫu hứng của các bậc làm cha mẹ. Tôi có người thân, hai vợ chồng chỉ có một mụn con gái. Anh chồng vốn là công an, rất thích một nhân vật trong phim hình sự tên là Việt Hà xinh đẹp, tài năng nên đặt tên cho con theo tên nữ điệp báo viên này và muốn cháu được “đào tạo toàn diện”.

Từ nhỏ, anh đã cho con đi học võ, tiếp đó là tập bóng bàn, bơi lội, thể dục nhịp điệu, những môn yêu thích của anh. Cô vợ cũng không chịu kém. Chị tìm thầy cho con đi học hội họa, học nhạc, học nữ công gia chánh cả đến môn pha rượu cocktail mà cháu chẳng biết là thứ gì. Con bé cứ quay như chong chóng, vừa tan lớp học võ, tay chân còn tê cứng đã vội leo lên xe ôm đến lớp học đàn.

Buổi tối về nhà đã thấy cô giáo kèm môn toán, tiếng Anh đợi sẵn. Học nhiều, đi lại nhiều, người cháu cứ quắt lại, đến lớp ngủ gà ngủ gật, bài giảng của cô giáo cháu không tiếp thu được, nói trước quên sau như nước đổ đầu vịt. Bạn bè trong lớp đùa trêu gọi trệch tên Việt Hà thành ra “Vịt Gà”.

Năm nay Việt Hà học hết THCS. Bố mẹ cháu nộp đơn cho cháu thi vào một trong những trường THPT tốt nhất của thành phố. Điểm thi không đạt, các trường năm nay lại không có hệ B, vợ chồng anh đang chạy đôn, chạy đáo tìm người quen xin cho cháu vào trường dân lập. Còn về các môn năng khiếu, bố mẹ cháu đã dày công cho học, luyện tập từ nhỏ, thành tích cao nhất của Việt Hà là cùng đội đồng ca của lớp đạt giải nhì trong hội thi của trường nhân Ngày nhà giáo Việt Nam. Tấm ảnh chụp lúc cháu cùng các bạn được trao giải thưởng, anh chị nâng niu như báu vật, ai đến cũng cho xem. Tôi cố căng mắt cũng không nhận ra cháu trong bức ảnh đội đồng ca chụp ai cũng bé như hạt đỗ, mặc giống nhau, muốn thốt lên: “Thôi đừng làm khổ con bé, bao giờ anh chị mới hết ảo tưởng về con?”.

Lại còn chuyện đầu tư cho con theo kiểu ngẫu hứng, theo phong trào, giống như việc làm ăn lâu nay vẫn diễn ra, nhưng ở đây hậu quả là trẻ em gánh chịu. Điều này cũng không phải là hiếm…

Em vợ tôi sống ở TP Hải Phòng. Cũng lạ, mấy năm vừa rồi ở thành phố này xuất hiện nhiều hoa hậu. Nào là hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, hoa hậu Mai Phương, chưa kể hoa hậu thể thao, các á hậu. Nghe nói ở đây có “lò” luyện hoa hậu, chỉ cần ngoại hình cao ráo, biết hát múa và “sõi” tiếng Anh viễn cảnh vinh hoa cuốn hút một bộ phận công chúng si mê đến mức bốc đồng, trong đó có em tôi quyết chí cho con sau này là hoa hậu, vợ chồng em vợ tôi không tiếc công sức đầu tư.

Chú em nghỉ cả việc làm để có thời gian đưa đón con đến Cung văn hóa Việt – Tiệp học múa hát, đến các lò luyện tiếng Anh. Cô vợ thì nghe nói cái gì bổ, đẹp da cũng sẵn sàng mua cho con gái. Tủ lạnh ở nhà chứa đầy sữa, các loại pho-mat bò cười, ki-ri… bởi thấy quảng cáo ăn uống những thứ này tăng được chiều cao. Con bé cũng ngoan, nghe lời bố mẹ và đang ở tuổi lớn nên cứ “nạp” vô tư. Thế nhưng chiều cao tăng không kịp với chiều ngang. Mới 15 tuổi, cao 1,58 m nhưng cháu đã cân nặng tới 67 kg. Giấc mơ hoa hậu không thành, vợ chồng chú em rầu rĩ.

Tôi cố động viên: “Cháu giống Thúy Vân, trong truyện Kiều. Cụ Nguyễn Du tả: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” cũng xinh đấy chứ. Cô vợ buột miệng dè bỉu: “Thế thì xinh gì! Mặt như cái bánh bao…”. Còn bố cháu thì tuyên bố: “Không xinh thì phải giỏi. Thôi, từ nay chuyển hướng”. Giã từ cung văn hóa, cháu lại như con thoi đến các lớp học thêm ôn tập các môn văn hóa vốn đã bị xem nhẹ, để hổng lâu nay, kèm theo đó là chế độ ăn kiêng. Đang tuổi ăn, tuổi chơi vậy mà con bé mỗi bữa chỉ dám ăn một chút cơm còn toàn ăn rau, mắt thâm quầng lúc nào cũng như sắp khóc, khác hẳn với vẻ hồn nhiên vô tư thuở trước. Tôi đọc blog của cháu viết trên mạng internet thấy những dòng tâm sự, như tiếng kêu gọi nhuốm đầy nước mắt: “Bố mẹ ơi, con là người bình thường. Con chỉ muốn là người bình thường thôi…”.

Sau đám giỗ, tôi nán lại ở quê. Bao tải quần áo cũ vợ tôi mang về đã phân phát hết. Bọn trẻ con nhặt vỏ hộp sữa chua, giấy gói bánh kẹo do con tôi vứt lại làm đồ chơi, nghịch cát. Quê tôi vẫn còn nghèo, lam lũ quá. Cô giáo Duyên, em họ, dạy THCS ở trường làng, buổi sáng lên lớp, chiều vẫn ra đồng cấy lúa, làm cỏ, tát nước… như nông dân.

Giờ là lúc nông nhàn. Tôi hỏi: “Em có dạy thêm?”. Cô Duyên cười: “Dạy thêm cho ai được hở bác? Trẻ em ở quê làm gì có điều kiện học thêm. Bố mẹ chúng không có tiền trả học phí, các cháu lại phải phụ việc ngoài đồng, như thằng Đen nhà em đấy”. Thằng Đen, con cô giáo Duyên tên thật là Ánh, nhưng từ nhỏ đã phơi nắng ngoài đồng giúp bố mẹ, da đen nhẻm nên gọi là thằng Đen. Vất vả, lam lũ thế nhưng học giỏi, năm vừa rồi Ánh học lớp 12, thi học sinh giỏi toán, đoạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học, nhưng cháu vẫn lên Hà Nội thi cho biết Thủ đô.

Tôi hỏi Ánh: “Cháu có thích Hà Nội không?”. Cậu sinh viên tương lai đáp ngập ngừng: “Cháu lo lắm. Thấy ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, nay mai vào đại học chắc mẹ cháu mỗi tháng phải gửi 500 nghìn đồng không biết có đủ trang trải cho cháu ăn ở, học hành. Có lẽ cháu phải cố học để có học bổng hoặc đi làm thêm, đỡ đần mẹ cháu”. Tôi nhìn vào mắt Ánh, thấy lòng se lại và sống mũi cay cay.  Ôi, những áp lực và lo toan của con nhà nghèo!