Chúng ta đều biết rằng, chủ nghĩa Marx là một hệ thống hoàn chỉnh, toàn vẹn và chặt chẽ bao gồm ba bộ phận cấu thành: triết học mác-xít mà nội dung của nó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mà nền tảng là học thuyết giá trị thặng dư, và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Qua lịch sử hình thành chủ nghĩa Marxism chúng ta đều nhận thấy những dấu ấn không thể nào phai của F.Elgels trong cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Marxism.Về triết học, trong những tác phẩm viết chung với Marx cũng như trong những tác phẩm của riêng mình, những luận điểm quan trọng nhất của triết học mác-xít đã được F.Elgels trình bày một cách có hệ thống, đầy sức thuyết phục và chỉ ra ý nghĩa lớn lao của triết học đối với hoạt động thực tiễn của con người.
F.Elgels đã cùng với K.Marx xây dựng phép biện chứng duy vật, kế thừa những ưu điểm và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của các phép biện chứng trước đó. Trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật, vận dụng vào nghiên cứu quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người, F.Elgels cùng với Marx đã xây dựng nên chủ nghĩa duy vật lịch sử, trình bày có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Ðặc biệt, F.Elgels đã phân tích một cách sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố cấu thành kiến trúc thượng tầng và tác động ngược lại của chúng đối với cơ sở hạ tầng kinh tế; đấu tranh chống lại quan điểm nhấn mạnh một chiều vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng kinh tế đối với kiến trúc thượng tầng.
F.Elgels khẳng định rằng, muốn vận dụng phép biện chứng duy vật một cách triệt để, nhất quán, chúng ta cần phải xem xét các sự vật trong sự vận động, sự biến đổi, sự sống, trong mối liên hệ, tác động lẫn nhau của chúng, trong mâu thuẫn của chúng. Ðiều đó có nghĩa là, "chúng ta phải xuất phát từ những sự kiện đã có" chứ "không thể cấu tạo ra các mối liên hệ để ghép chúng vào sự kiện, mà phải từ các sự kiện đó phát hiện ra mối liên hệ ấy và một khi đã phát hiện ra các mối liên hệ ấy rồi thì phải hết sức chứng minh những mối liên hệ ấy bằng thực nghiệm" (1).
Về kinh tế chính trị học, công lao hết sức to lớn của F.Elgels là đã phân tích làm rõ nội dung và những tác động kinh tế-xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp. Trong các tác phẩm của mình như "Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị", "Tình cảnh của giai cấp lao động ở nước Anh", được K.Marx đánh giá là những phác thảo thiên tài, F.Elgels đã phân tích một cách toàn diện, sâu sắc những mâu thuẫn trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, xác định rõ những khuynh hướng phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của đại cách mạng công nghiệp thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, quá trình này làm cho mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản - mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa của sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên sâu sắc.
Những cống hiến khoa học của Elgels đã có tác dụng gợi mở cho K.Marx một hướng nghiên cứu mới đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu chính trị kinh tế học.
Chính từ việc đi sâu nghiên cứu chính trị kinh tế học, K.Marx đã đi đến hai phát hiện vĩ đại là Chủ nghĩa duy vật lịch sử và Học thuyết giá trị thặng dư. V.I.Lenin đã nhấn mạnh rằng: "Việc liên hệ với Elgels rõ ràng đã thúc đẩy K.Marx quyết định nghiên cứu chính trị kinh tế học và ngành khoa học trong đó những tác phẩm của ông đã thực hiện cả một cuộc cách mạng" (2). Với hai phát hiện vĩ đại đó của K.Marx, chủ nghĩa xã hội đã phát triển từ không tưởng thành khoa học.
Về chủ nghĩa xã hội khoa học, trong các tác phẩm của mình, cũng như trong các tác phẩm viết chung với Marx, F.Elgels đã trình bày một cách toàn diện lịch sử và lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Ðặc biệt là, F.Elgels đã làm rõ những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh, đã phát triển đầy đủ trên cơ sở kinh tế của chính bản thân nó. Ðồng thời, F.Elgels cũng nhấn mạnh rằng, xây dựng, củng cố, phát triển chế độ xã hội đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại.
Trong quá trình tham gia và chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, F.Elgels cũng như K.Marx rất quan tâm đến tiến trình phát triển cách mạng ở các nước phương Ðông, đưa ra những phương án đưa các nước phương Ðông tiến lên chủ nghĩa xã hội và những điều kiện cần thiết để thực hiện được những phương án đó.
F.Elgels khẳng định rằng, đối với các nước phương Ðông, trong quá trình "vượt qua (tránh) khe núi Cáp-đi-a" của chế độ tư bản chủ nghĩa, phát triển xã hội không theo hình mẫu của các nước phương Tây, không những cần giai cấp công nhân với tư cách là lực lượng sản xuất chính mà còn cần giai cấp tư sản có khả năng làm cho lực lượng sản xuất phát triển đến mức có thể xóa bỏ được những khác biệt về giai cấp.
F.Elgels đã đưa ra những quan điểm về sách lược đấu tranh của chính đảng vô sản và xây dựng một hệ thống lý luận về liên minh công nông, nhằm chỉ đạo công cuộc tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng để đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn mới của giai cấp tư sản trong một thời kỳ cách mạng mới. Những quan điểm của Elgels đã là cơ sở lý luận để các đảng công nhân cách mạng đấu tranh chống lại những quan điểm cơ hội chủ nghĩa, cải lương đưa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới đi đúng hướng.
Ðược hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, hệ thống các tư tưởng quan điểm của chủ nghĩa Marxism, sau này được V.I.Lenin phát triển ngày càng được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, các đảng cách mạng tiên phong của giai cấp đó. Tư tưởng quan điểm khoa học của Elgels nói riêng học thuyết Marx nói chung hội tụ trí tuệ của nhân loại trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Ở Việt Nam, những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt 70 năm qua bắt nguồn từ sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marxism - Leninism và tư tưởng Hồ Chí Minh của Ðảng Cộng sản Việt Nam vào thực tiễn cách mạng nước ta.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua những thời kỳ khác nhau với những đặc điểm tình hình lịch sử cụ thể khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta luôn luôn nắm vững "linh hồn sống" của chủ nghĩa Marxism - Leninism là phép biện chứng duy vật. Coi sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marxism - Leninism. Ðảng ta bao giờ cũng coi trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn cách mạng của nước ta để vận dụng chủ nghĩa Marxism - Leninism một cách sáng tạo. Ðiều này đã đem lại thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ đổi mới với quan điểm nhìn thẳng sự thật nói rõ sự thật, Ðại hội VI của Ðảng đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước với những thành tựu to lớn về kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng, văn hóa, hoạt động đối ngoại...
Một trong những bài học quan trọng hàng đầu mà Ðảng ta đã rút ra qua 20 năm đổi mới là phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CHXH trên nền tảng của chủ nghĩa Marxism - Leninism và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðể có đường lối đổi mới đúng đắn cần nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marxism - Leninism, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, dùng lý luận tư tưởng đó làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật lấy đó làm cơ sở xuất phát để hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.
Thực tiễn qua 20 năm đổi mới cho thấy, Ðảng ta đã nhận thức đúng hơn và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Marxism - Leninism trên một loạt các vấn đề (chẳng hạn vấn đề mục tiêu CNXH, vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân do dân và vì dân,...). Nhờ đó tư duy luận của Ðảng ngày càng sâu sắc hơn, nhận thức đúng đắn hơn thực chất những tư tưởng của các nhà kinh điển Marx – Lenin, đồng thời có sự vận dụng phát triển phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.
Thực tiễn thời đại và quá trình đổi mới ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết lý luận, thực tiễn, điều này đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn, nắm vững tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marxism - Leninism, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Việt Nam để thực hiện mục tiêu mà Ðảng ta đã xác định là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh".
-------
(1) K.Marx, F.Elgels: Toàn tập, Nxb. CTQG - Hà Nội, t.20, 1994, tr.493.
(2) V.I.Lenin toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Moscow, t.2, 1974. tr.9.