ND- Trước tình hình ngày càng xấu của cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách và nợ công cao ở Hy Lạp, Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ ơ-rô (40,9 tỷ USD) để giúp A-ten. Khoản cứu trợ này nằm trong chương trình hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, với lãi suất ưu đãi.
Trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp mới đây, các Bộ trưởng Tài chính 16 nước khu vực đồng ơ-rô đã nhất trí thông qua khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp. Ðây được coi là hành động cụ thể đầu tiên trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách và nợ công cao, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này đã bắt đầu lan rộng sang một số nước châu Âu và khiến giá trị đồng ơ-rô giảm mạnh so với đồng USD. Cuộc họp được tiến hành một ngày sau khi A-ten chính thức đưa ra đề nghị EU trợ giúp tài chính.
Khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ ơ-rô này nằm trong chương trình hỗ trợ tài chính kéo dài ba năm dành cho Hy Lạp, với lãi suất ưu đãi 5%, mức lãi suất thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn cao hơn lãi suất cho vay áp dụng cho những nước được các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế xếp hạng AAA. Trước đó, hãng Fitch Ratings đã hạ mức đánh giá tài chính của Hy Lạp từ BBB + xuống BBB - do thách thức mà A-ten phải đối mặt trong quản lý tài chính công. Số tiền này sẽ do các nước thành viên khu vực đồng ơ-rô cho Hy Lạp vay thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Quyết định cứu trợ Hy Lạp được công bố nhằm khôi phục lòng tin người dân, các nhà đầu tư và thị trường tài chính ở khu vực đồng ơ-rô nói riêng và EU nói chung. Theo kế hoạch phối hợp giữa EU và IMF đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao EU vừa qua tại Brúc-xen (Bỉ), khoản cứu trợ này sẽ được phân bổ theo tỷ lệ 2:1 (EU góp 2 phần, IMF 1 phần). Theo đó, EU sẽ đóng góp 20 tỷ ơ-rô, còn IMF góp mười tỷ ơ-rô. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn mười năm của Hy Lạp tăng lên 7,5%, mức cao nhất kể từ khi A-ten gia nhập khu vực đồng ơ-rô năm 2001, khiến Hy Lạp có nguy cơ chìm sâu vào bãi lầy tài chính do lãi suất vay cao. Tổng Giám đốc IMF Ð.Xtrốt Can hoan nghênh quyết định này và cho biết, IMF sẵn sàng tham gia kế hoạch cứu trợ theo yêu cầu của
A-ten. Thủ tướng Hy Lạp G.Pa-pan-đrê-u đánh giá cao quyết định quan trọng này của EU, cho rằng, một mạng lưới an toàn đã được hình thành và tính thống nhất trong châu Âu đã phát huy tác dụng; cam kết A-ten sẽ tiếp tục thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm thâm hụt ngân sách và các khoản nợ của nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp G.Pa-pa-côn-xtan-tin tuyên bố, lãi suất cao ảnh hưởng xấu các khoản nợ của nước này, đồng thời không phản ánh đúng tình hình thực tế của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp. Trước đó, Thủ tướng Pa-pan-đrê-u đã điện đàm với Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Tây Ban Nha R.Xa-pa-tê-rô và yêu cầu một gói trợ giúp tài chính.
Quyết định cứu trợ được đưa ra đúng thời điểm Hy Lạp phát hành 1,2 tỷ ơ-rô trái phiếu kho bạc. A-ten đang có kế hoạch huy động khoảng 11,5 tỷ ơ-rô vào tháng 5 tới, một phần trong khoản 54 tỷ ơ-rô mà nước này cần trong năm 2010 để thanh toán các khoản nợ và bù vào lỗ hổng ngân sách, trong tổng số nợ công 300 tỷ ơ-rô của Hy Lạp. Trước đó, Thứ trưởng Tài chính các nước EU đã nhóm họp, thảo luận các điều kiện và mức độ trợ giúp Hy Lạp. Tại cuộc gặp cấp cao hằng năm Pháp - I-ta-li-a vừa diễn ra tại Ðiện Ê-li-dê (Pháp), Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di và Thủ tướng I-ta-li-a X.Béc-lu-xcô-ni cũng thảo luận cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Hai vị lãnh đạo này cam kết ủng hộ kế hoạch trợ giúp Hy Lạp vào bất kỳ thời điểm nào. Theo Tổng thống Xác-cô-di, chính quyền Hy Lạp đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công cao của nước này. Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni khẳng định, Hy Lạp là một phần của khu vực đồng ơ-rô, do đó 15 nước thành viên (trừ Hy Lạp) phải có trách nhiệm giúp A-ten. Cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách và nợ công cao của Hy Lạp đã tác động xấu đến đồng ơ-rô, khiến giá trị đồng ơ-rô giảm mạnh so với đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng, đó là phản ứng của thị trường mất lòng tin vào hiệu quả tức thì của gói cứu trợ chung EU - IMF. Chủ tịch ECB G.Clốt Tri-sê và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp G.Pa-pa-côn-xtan-tin tin tưởng, kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của A-ten sẽ phát huy hiệu quả, nhận định khả năng phá sản chưa thể xảy ra với Hy Lạp. Bởi theo các số liệu thống kê, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trong quý I năm nay giảm 40%, xuống còn 4,3 tỷ ơ-rô, so với mức thâm hụt 7,1 tỷ ơ-rô cùng kỳ năm ngoái.
Khoản cứu trợ của EU và IMF nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách và nợ công cao là bước đi đầu tiên và cần thiết của EU và IMF, nhằm mục tiêu ổn định tài chính của cả khu vực đồng ơ-rô. Tuy nhiên, để gói cứu trợ này phát huy hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa khu vực đồng ơ-rô, EU, IMF, các nhà đầu tư và thị trường tài chính thế giới.