Tối 15-12 tại thủ đô Brussels, các nhà lãnh đạo cao cấp của 25 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu cuộc bàn thảo về ngân sách dài hạn của khối này trong giai đoạn 2007-2013.
Kết thúc phiên họp thứ nhất, các nhà lãnh đạo EU thừa nhận những khác biệt khá lớn giữa họ về vấn đề ngân sách chung của cả cộng đồng, do mỗi nước có những mối quan tâm riêng và lập trường riêng, tuy nhiên, đều khẳng định mong muốn nỗ lực đạt được thỏa thuận về vấn đề gai góc này, nhằm tránh đẩy liên minh tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.
Tại hội nghị, Anh, nước đương kim Chủ tịch EU, đã đề nghị một khoản ngân sách tổng hợp cho bảy năm tới đối với toàn liên minh là 849,3 tỷ euro (trước thềm hội nghị, con số do Anh đưa ra là 846,7 euro). So với đề nghị ngân sách tổng hợp cho toàn EU trong giai đoạn 2007- 2013 do Luxembourg, Chủ tịch luân phiên EU nửa đầu năm 2005 đưa ra, con số này giảm khoảng 22 tỷ euro (Luxembourg đề nghị 871 tỷ euro).
Hội nghị thượng đỉnh của EU lần này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn liên minh, bởi nó quyết định đến những vấn đề cốt lõi những vấn đề mang tính sống còn của cả cộng đồng trong bảy năm tới, khi số thành viên sẽ lên đến 27 quốc gia, với sự gia nhập, theo dự kiến vào đầu năm 2007, của hai quốc gia Đông Âu là Bungari và Rumani. Ngày 16-12, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục các cuộc thương lượng gay cấn về ngân sách dài hạn của toàn liên minh.
Trong cuộc gặp hôm qua với Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã yêu cầu rằng bất kỳ một thỏa thuận nào về ngân sách của EU cũng phải bao gồm cả việc cắt giảm "lâu dài" khoản bồi hoàn ngân sách dành cho Anh. Việc bồi hoàn ngân sách cho Anh và việc Pháp từ chối xét lại hệ thống trợ giá ở mức cao trong lĩnh vực nông nghiệp của EU là hai vấn đề chính gây trở ngại cho EU trong việc đạt được thỏa thuận về ngân sách của khối này trong giai đoạn 2007- 2013, nhằm giải ngân cho các nước thành viên mới của EU.