Quy định này mới chỉ được đề xuất, cần được các nước Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua. Đây là một phần trong kế hoạch của EC nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo đảm các vật liệu như nhựa, dệt may và kim loại được tái sử dụng và tái chế, thay vì vứt bỏ.
"Mục tiêu là làm cho EU có trách nhiệm lớn hơn đối với chất thải mà họ tạo ra. Thói quen cũ không còn phù hợp với ngày nay và đó là điều cần phải thay đổi", ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Môi trường, Đại dương và Thủy sản của Ủy ban châu Âu cho biết.
EU đã xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn rác thải vào năm ngoái, khoảng một nửa trong số đó là đến các nước nghèo không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với các quy định quản lý chất thải lỏng lẻo hơn so với EU.
Theo đề xuất mới, quốc gia không thuộc OECD cần phải thông báo cho Ủy ban châu Âu là họ muốn nhận các lô rác thải của EU và chứng minh rằng họ có thể xử lý rác thải bằng phương pháp không gây ô nhiễm môi trường. Nếu quốc gia nhận rác có thể làm được điều đó, các nước EU có thể vận chuyển rác thải của họ đến đó.
Xuất khẩu rác thải sang các nước OECD cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát của EU và EC có thể đình chỉ nếu thấy lo ngại về việc xuất khẩu rác thải này gây ô nhiễm ở một quốc gia nhất định, và không có đủ bằng chứng cho thấy quốc gia đó có thể quản lý rác thải một cách bền vững.
Đề xuất của EU nhằm thúc đẩy 27 quốc gia thành viên nâng cao năng lực tái sử dụng và xử lý rác thải trong nước.
Đề xuất này sẽ đơn giản hóa các quy tắc đối với các lô hàng phế thải trong EU, để giúp bảo đảm nhựa, giấy, sắt và thép có thể đến được các cơ sở tái chế của châu Âu. EC cũng muốn có nhiều quyền lực hơn để điều tra các lô hàng rác thải bất hợp pháp.