ETA – tổ chức ly khai xứ Basque

Tổ chức vũ trang ETA vừa tuyên bố ngừng bắn lâu dài. Trong hơn 30 năm qua, ETA đã tiến hành một cuộc đấu tranh bạo lực để đòi độc lập cho bảy khu vực ở miền bắc Tây Ban Nha và tây nam nước Pháp.

ETA là chữ viết tắt của cụm từ địa phương Euskadi Ta Azkatasuma, nghĩa là Tổ quốc Basque tự do, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1959 khi sinh viên Tây Ban Nha đứng lên đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự áp bức của tướng Franco.

Dưới thời tướng Franco, tiếng Basque bị cấm, nền văn hóa của họ bị vùi dập, các nhà trí thức bị tù đầy, tra tấn vì tư tưởng văn hóa và chính trị của họ.

Đã có một số cuộc phản kháng quyết liệt chống tướng Franco tại xứ Basque. Cái chết của tướng Franco vào năm 1975 và việc chuyển sang chế độ dân chủ đã mang lại quyền tự trị cho khu vực có hai triệu dân này.

Mặc dù xứ Basque của Tây Ban Nha ngày nay có quyền tự trị lớn hơn mọi khu vực khác ở nước này - xứ Basque có nghị viện, lực lượng cảnh sát, hệ thống giáo dục và phương thức thu thuế riêng – ETA và những người ủng hộ đường lối cứng rắn của tổ chức này vẫn quyết tâm xúc tiến đòi lập hoàn toàn cho xứ Basque.

Vùng đất mà họ đòi thành lập một quốc gia riêng gồm bốn tỉnh ở miền bắc Tây Ban Nha: Vizcaya, Guipuzcoa, Alava, Navarra và ba tỉnh miền tây nam Pháp: Labourd, Basse-Navarra, Soule. ETA đã phát động một chiến dịch với các hành động như đánh bom, ám sát, bắt cóc...

Chiến dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 người trong 30 năm qua, trong đó nhiều người là thành viên của lực lượng cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha, và các chính trị gia, những người phản đối yêu sách đòi độc lập của của tổ chức này.

Nhiều người cho rằng sức mạnh của ETA đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác nhau về việc liệu ETA là một lực lượng đã bị tàn lụi hay đang nằm chờ thời.

Nhưng có lẽ những gì đã xảy ra trong thời gian cuối những năm 70 của thế kỷ trước, quãng thời gian ETA có khả năng tiến hành các cuộc tấn công làm trung bình khoảng 100 người thiệt mạng mỗi năm – khi Tây Ban Nha đang nỗ lực thoát khỏi chế độ độc tài và chuyển sang nền dân chủ - dường như không thể lặp lại nữa.

Năm 2003, ba người bị giết trong các cuộc đánh bom do ETA tiến hành. Đây là những nạn nhân mới nhất trong các cuộc tấn công của tổ chức này.

Không ai biết tổ chức này có quy mô như thế nào, nhưng chính quyền Tây Ban Nha ước tính có ít nhất 30 người hoạt động tích cực, trang trải chi phí cho các thành viên - những người được qua huấn luyện các hành động bạo lực và làm việc theo các nhóm khoảng bốn người.

Ngày nay ETA có một số mạng lưới hậu cần tại Pháp cùng với khoảng vài trăm thanh niên hoạt động rải rác dọc “các đường biên quốc gia Basque” với Pháp và Tây Ban Nha do ETA “tự tuyên bố”, sẵn sàng tham gia các cuộc tấn công gây chết chóc.

Cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha đã tìm cách giảm sức mạnh của ETA. Chính phủ Tây Ban Nha đã cấm cánh chính trị của tổ chức ETA hoạt động. Trong một thập kỷ qua, cánh chính trị này đã hoạt động dưới những cái tên khác khau – Herri Batasuna, Euskal Herritarrok, Batasuna. Chính phủ Tây Ban Nha hy vọng, lệnh cấm này sẽ làm giảm nguồn quỹ và sự hỗ trợ cho các bộ phận của tổ chức ETA.

Tháng 10 vừa qua, Pháp và Tây Ban Nha đã tiến hành những cuộc tấn công nhằm tiêu diệt các tay súng của ETA, và đã thu giữ nhiều kho vũ khí, bắt giữ hơn 20 phần tử tình nghi. Đây được coi là cú đánh mạnh vào tổ chức ETA.

Cảnh sát cũng đã bắt giữ một người tình nghi là thủ lĩnh ETA Mikel Albizu, còn được gọi là Mikel Autza, cùng bạn gái có tên là Maria Soledad Iparraguirre.

Sự ủng hộ đối với ETA đang ngày càng giảm, không chỉ do ảnh hưởng của những người có tư tưởng ôn hòa trong ETA, mà còn vì ETA đã có những hành động khiến dư luận phẫn nộ.

Vụ ETA bắt cóc viên hội đồng 29 tuổi Miguel Angel Blanco, của Đảng Nhân dân cầm quyền vào tháng 7-1997 tại xứ Basque, là một bước ngoặt trong dư luận.

ETA nêu điều kiện tiên quyết để thả A. Blanco là khoảng 460 thành viên của họ đang bị giam giữ trên toàn Tây Ban Nha phải được trả về xứ Basque. Yêu cầu này đã không được chấp nhận.

Sau đó, người ta tìm thấy viên hội đồng Blanco bị bắn hai phát đạn vào đầu, rồi chết tại bệnh viện sau đó 12 giờ.

Phẫn nộ trước vụ sát hại này, hơn sáu triệu người trên toàn Tây Ban Nha đã xuống đường tuần hành trong bốn ngày yêu cầu ETA chấm dứt các hành động bạo lực. Và lần đầu tiên một số người ủng hộ ETA cũng đã công khai lên án vụ sát hại này.

Mỹ và EU đã liệt ETA vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Một năm sau cái chết của Blanco, năm 1998, ETA đã đưa ra đề xuất ngừng bắn tạm thời.

Lệnh ngừng bắn này đã kết thúc vào tháng 12-1999 sau khi chính phủ Tây Ban Nha không chấp nhận thảo luận về các yêu cầu của ETA đòi độc lập cho xứ Basque.

Chính phủ Tây Ban Nha luôn khẳng định rằng chính phủ sẽ không bao giờ tính đến chuyện ngồi vào bàn đàm phán với nhóm vũ trang ETA trừ phi ETA từ bỏ các hành động bạo lực.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2004, đảng Nhân Dân đã dựa trên quan điểm tiếp tục tiến hành đường lối cứng rắn chống ETA và bảo vệ hiến pháp Tây Ban Nha trước đòi hỏi được quyền tự trị lớn hơn của xứ Basque và Catalonia.

Nhưng vụ đánh bom hôm 11-3-2004 tại một số nhà ga xe điện ngầm ở Madrid đã trở thành một tai họa đối với đảng Nhân Dân.

Lúc đầu, Đảng Nhân dân nói rằng các cuộc tấn công này do ETA tiến hành, tuy nhiên không lâu sau đã chuyển sang đổ lỗi cho các nhóm tay súng Hồi giáo.

Các cử tri đã loại bỏ chính phủ của đảng Nhân Dân, bỏ phiếu cho đảng Xã hội, một phần vì họ cho rằng đảng Nhân Dân đã cố tình lừa dối họ.

Số vụ tấn công của ETA đã giảm kể từ khi xảy ra vụ đánh bom ga xe điện ngầm tại Madrid, trong khi có thông tin cho rằng ETA nhận thấy không còn có thể đạt được mục đích bằng bạo lực.

Những mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ETA

1937: Tướng Franco chiếm đóng xứ Basque và bắt đầu dìm các cuộc đấu tranh đòi độc lập của người dân trong biển máu.

1959: Tổ chức ETA ra đời với mục đích thành lập một nhà nước độc lập ở xứ Basque.

1961: Chiến dịch bạo động của ETA mở màn với âm mưu đánh trật đường ray đoàn tàu chở các chính trị gia Tây Ban Nha.

1968: ETA giết nạn nhân đầu tiên, đó là Meliton Manzanas, một trùm cảnh sát mật ở thành phố San Sebastian.

Tháng 12-1973: ETA ám sát Thủ tướng Luis Carrero Blanco ở Madrid để trả đũa việc chính phủ hành quyết một số tay súng của họ.

1978: Cánh chính trị của ETA là Herri Batasuna được thành lập.

1995: ETA ám sát hụt lãnh đạo của đảng Nhân Dân đối lập (sau đó là Thủ tướng Tây Ban Nha) Jose Maria Aznar, bằng một chiếc xe chở bom.

Tháng 3-1996: Đảng Nhân Dân cánh hữu của ông Aznar giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Sự thay đổi của chính phủ mới báo hiệu sẽ dẫn đến một cuộc tấn công nhằm vào ETA. ETA tuyên bố đảng này là một di sản của chế độ độc tài từ thời tướng Franco.

Tháng 7-1997: ETA bắt cóc và giết chính trị gia Angel Blanco. Đây là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối ETA của sáu triệu người Tây Ban Nha.

Tháng 12-1997: 23 lãnh đạo của đảng Herri Batasuna bị kết án tù bảy năm vì tội cộng tác với ETA. Đây là lần đầu tiên các thành viên của đảng này bị bắt giam vì hợp tác với tổ chức ly khai ETA.

Tháng 3-1998: Các đảng phái chính của Tây Ban Nha cam kết sẽ thương lượng để chấm dứt tình trạng bạo lực ở xứ Basque. Chính phủ tuyên bố không tham gia.

Tháng 9-1998: Lần đầu tiên ETA tuyên bố ngừng bắn vô thời hạn sau hơn 30 năm tiến hành chiến dịch sử dụng bạo lực.

Tháng 5-1999: Diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chính phủ Tây Ban Nha với ETA tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ.

Tháng 8-1999: Thủ tướng Jose Maria Aznar buộc tội ETA “đe doạ hòa bình”. Sau đó, ETA tuyên bố cuộc thương lượng với chính phủ sẽ rất khó xảy ra.

Tháng 11-1999: ETA tuyên bố chấm dứt thời kỳ ngừng bắn kéo dài 14 tháng và đổ lỗi cho việc thiếu tiến triển trong cuộc thương thuyết với chính phủ.

Tháng 1-2000: Những vụ đánh bom bằng ô-tô của ETA bắt đầu bùng phát ở Madrid và xứ Basque.

Tháng 8-2002: Đảng Batasuna bị cấm hoạt động do có liên quan đến ETA.

Tháng 9-2002: Cảnh sát Pháp bắt giữ một người đàn ông và một người phụ nữ tình nghi là những thủ lĩnh hàng đầu của ETA sau một chiến dịch cung với cảnh sát Tây Ban Nha. Người đàn ông này bị tình nghi là Juan Antonio Olarra, thủ lĩnh quân sự của ETA.

Tháng 2-2003: Chính phủ Tây Ban Nha đóng cửa tờ báo Euskaldunon Egunkaria ở xứ Basque với lý do là tờ báo này dính líu tới ETA – nhưng ngay sau ngày tờ báo bị đóng cửa, một tờ báo mới của xứ Basque mang tên Egunero, đã ra đời trong đó có chạy một tiêu đề “Đóng cửa nhưng không bị câm lặng”.

Tháng 3-2003: Theo đề nghị của chính phủ, tòa án tối cao Tây Ban Nha đã cấm cánh chính trị Batasuma hoạt động. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tướng Franco chết vào năm 1975, một đảng chính trị bị cấm hoạt động tại Tây Ban Nha.

Tháng 5-2003: Mỹ liệt Batasuma vào danh sách các nhóm khủng bố. Sau đó một tháng, Liên minh châu Âu cũng có quyết định tương tự.

Tháng 5-2003, hai cảnh sát bị chết trong một vụ đánh bom tại Sanguesa, miền bắc Tây Ban Nha. Đây được coi là vụ tấn công gây chết người gần đây nhất của ETA.

Tháng 7-2003: Các quả bom nổ cách nhau vài phút tại các khu nghỉ mát Alicante và Benidorm của Tây Ban Nha, làm ít nhất 13 người bị thương. Năm ngày sau vụ đánh bom này, một quả bom đã nổ tung tại một bãi đỗ xe ô-tô của sân bay Santander.

Tháng 11-2003: Cảnh sát Tây Ban Nha trong một chiến dịch tấn công đã bắt giữ đuợc 12 người tình nghi là các thủ lĩnh của ETA.

Tháng 3-2004: Ban đầu ETA bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ đánh bom ga xe điện ngầm tại Madrid, nhưng sau đó chính qưyền Tây Ban Nha đã buộc tội các nhóm tay súng Hồi giáo tiến hành vụ đánh bom này.

Tháng 10-2004: Mikel Albizu, còn được gọi là Antza, một trong những thủ lĩnh hàng đầu của ETA cùng bạn gái là Maria Soledad Iparraquirre đã bị bắt tại miền tây nam nước Pháp.

Tháng 10-2005: Hariet Aguirre, bị tình nghi là nhân vật số 2 của ETA đã bị bắt tại Pháp.

Tháng 11-2005: Tây Ban Nha đưa ra xét xử 56 người bị nghi là các nhà hoạt động của ETA. Đến nay, đây là vụ xét xử lớn nhất đối với những phần tử bị nghi là thuộc ETA.

Ngày 20-3-2006: ETA tuyên bố nhận trách nhiệm đã cài một số quả bom vào thời điểm xảy ra một cuộc tổng bãi công ở xứ Basque do Batasuma kêu gọi.

Ngày 22-3-2006: ETA tuyên bố ngừng bắn lâu dài, sẽ bắt đầu thực hiện sau đó hai ngày.