Duy trì ổn định thị trường xăng dầu

Năm 2018 khép lại với 24 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Hiện giá xăng E5 Ron 92 đang ở mức 16.270 đồng/lít; dầu đi-ê-den 0,05S là 14.900 đồng/lít..., phản ánh đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới. Mặc dù giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm mạnh trong các đợt giao dịch gần đây, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục duy trì đà ổn định, không có nhiều biến động mạnh trong thời gian tới.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động.

Phụ thuộc thị trường thế giới

Thị trường dầu mỏ thế giới năm qua có những diễn biến khó lường. Bất ổn địa chính trị tại Trung Ðông, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm nguồn cung, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc,... đã gây nên những xáo trộn trên thị trường. Sau khi giảm giá trong hai tháng đầu năm, giá dầu thô thế giới tăng mạnh trở lại bắt đầu từ tháng 3-2018. Ðến tháng 10-2018, thị trường dầu mỏ chứng kiến giá dầu đã xác lập mức cao nhất trong bốn năm qua khi giá dầu Brent cán mức 86,29 USD/thùng, còn giá dầu WTI (loại dầu có chất lượng cao, ngọt, nhẹ) ở mức 76,41 USD/thùng. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 10, giá dầu thế giới liên tục lao dốc tới nay. Giá dầu đã giảm hơn 30%, xuống dưới 60 USD/thùng vào cuối tháng 11 so với mức đỉnh trong tháng 10. Nhằm khắc phục tình trạng "tụt giá", đầu tháng 12, các nước thành viên của OPEC và các nước ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày từ năm 2019, bất chấp sức ép tăng cung từ Mỹ. Ðiều này đã giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2019 vẫn chứng kiến tình trạng cung vượt cầu do sản lượng khai thác dầu không ngừng tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế tại một số quốc gia giảm tốc, mức tiêu thụ toàn cầu khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày. Cũng trong năm qua, giá xăng dầu trong nước cũng có nhiều biến động. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh 24 lần, trong đó, mặt hàng xăng E5 Ron 92 có 10 lần giữ nguyên giá, bảy lần tăng giá với tổng mức tăng là 3.324 đồng/lít, có bảy lần giảm giá với tổng mức giảm 4.780 đồng/lít; dầu đi-ê-den loại 0,05S có năm lần giữ nguyên giá, 11 lần tăng giá với tổng mức tăng là 4.137 đồng/lít, có tám lần giảm giá với tổng mức giảm 3.305 đồng/lít,...

Ðánh giá về thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ cho biết, thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2018 tương đối ổn định, nguồn cung bảo đảm cho nhu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng. Năm qua, mức tiêu thụ của Việt Nam ở mức 15 đến 16 triệu tấn. Hiện nay, mức độ tăng trưởng, sử dụng xăng dầu của Việt Nam rất thấp, chỉ tăng khoảng 7% so với năm 2017 và dự báo năm 2019 mức tăng tương đương. Nếu cộng cả mức tiêu thụ xăng dầu "ngoài luồng" (xăng dầu nhập lậu), mức tăng trưởng cũng chỉ nhích lên đôi chút, từ 8% đến 10% so với năm ngoái, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như ô-tô, xe máy, vận tải hành khách công cộng. Do đó, khả năng biến động lớn trên thị trường xăng dầu không cao.

Loại bỏ những "hạt sạn"

Kể từ ngày 1-1-2018, trên thị trường chỉ còn bán hai mặt hàng xăng đó là xăng Ron 95 và xăng E5 Ron 92. Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), năm qua, sản lượng tiêu thụ xăng E5 Ron 92 chiếm tỷ trọng hơn 40% tổng sản lượng xăng tiêu thụ nội địa. Việc Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã khởi động trở lại vào giữa tháng 10 năm 2018, đồng thời, việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vừa xuất bán thành công các lô hàng sản phẩm thương mại đầu tiên ra thị trường nội địa, bao gồm: xăng Ron 95, Ron 92, dầu đi-ê-den đều là tin vui đối với thị trường xăng dầu Việt Nam.

Trước đây chủ yếu phải nhập khẩu xăng dầu thì nay với công suất hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và lọc hóa dầu Nghi Sơn đã giúp chủ động nguồn cung, có khả năng đáp ứng được khoảng 60% đến 70% nhu cầu sử dụng trong nước và chỉ còn nhập khẩu từ 30% đến 40%. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu không ngừng đầu tư, triển khai hàng loạt các dịch vụ mới như: bán xăng tự động, thanh toán bằng thẻ; nâng cấp tiêu chuẩn khí thải từ tiêu chuẩn châu Âu (Euro 2) lên Euro 4, 5,... đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của các DN nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số bất cập trong cách thức điều hành xăng dầu như chưa cho phép mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu cho các DN có vốn 100% nước ngoài cũng ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ. Ðáng chú ý, chính sách điều hành xăng dầu hiện nay chủ yếu dựa vào công cụ mệnh lệnh hành chính, chưa tạo điều kiện để vận hành theo cơ chế thị trường, dẫn đến chưa thật sự đem lại lợi ích cho người dân, DN,... Chẳng hạn, bản chất của việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là người tiêu dùng đã ứng trước cho quỹ này. Việc sử dụng quỹ một cách vô tội vạ, mang đậm tính can thiệp hành chính đã làm méo mó thị trường và hàng nghìn tỷ đồng dư quỹ để riêng không đưa vào kinh doanh là sự lãng phí lớn. Thời gian quy định giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá..., dẫn tới giá bán lẻ trong nước khó bắt kịp những diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, mặc dù có đến 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối, song tính cạnh tranh thật sự trên thị trường xăng dầu chưa xuất hiện, toàn quốc chỉ có một loại giá. Các DN cạnh tranh nhau bằng mức chi phí, nhưng mức chi phí này luôn đẩy xuống cơ sở, dẫn đến cạnh tranh thị phần không lành mạnh, tăng rủi ro trong kinh doanh và không đem lại hiệu quả thật sự. Chính vì vậy, cần để DN tự quyết định về giá, xóa bỏ quỹ bình ổn giá, bãi bỏ các quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức; bỏ hoặc sửa đổi Nghị định 83 theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch, bình đẳng nhằm tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam cạnh tranh, phát triển lành mạnh.