Duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, ước tính, tổng giá trị xuất khẩu cả nước tháng 1 chỉ đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 13,6% so tháng trước và giảm 21,3% so cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân sụt giảm một phần do tháng 1 có cả hai đợt nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, số ngày làm việc ít hơn. Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu đang đối mặt nhiều khó khăn như đã dự báo từ trước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt kim Ðông Xuân. (Ảnh ÐĂNG DUY)
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt kim Ðông Xuân. (Ảnh ÐĂNG DUY)

Ðể duy trì đà tăng trưởng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% trong năm nay, ngay từ đầu năm, Bộ Công thương đã ưu tiên tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững;...

Áp lực đè nặng

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam tháng 1 giảm 30,7% so cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 2,5 tỷ USD. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, ngay từ thời điểm đầu năm, đã có thể thấy rõ hàng loạt khó khăn của toàn ngành bộc lộ trước mắt. Theo tất cả các kịch bản, thị trường dệt may toàn cầu năm nay, tốc độ tăng trưởng đều thấp hơn nhiều so các năm trước, dự báo chỉ tăng trưởng dao động trong khoảng từ 2,5% (kịch bản suy thoái) đến 4% (kịch bản cơ sở). Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ quý IV/2022 và dự kiến tiếp tục suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng thấp trong thời gian tới. Tương tự, xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu năm vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý IV/2022, theo nhận định Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tháng 1 giảm 31% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, xuất khẩu tôm giảm 46%, xuất khẩu cá ngừ giảm 32%,... Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1 đều giảm mạnh, trong đó Hoa Kỳ giảm 56%, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) giảm 55%, EU giảm 35%,... VASEP đánh giá, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Năm 2022 cũng đặt dấu mốc chấm dứt giai đoạn tăng trưởng cao, kéo dài 10 năm liên tục về xuất khẩu của ngành điều. Trong cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam chỉ đạt 3,07 tỷ USD (năm 2021 đạt 3,64 tỷ USD), chưa đạt mục tiêu 3,2 tỷ USD đã đề ra dù đã điều chỉnh giảm khoảng 600 triệu USD so mục tiêu ban đầu là 3,8 tỷ USD. Theo Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas), hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu thời gian tới vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn từ tình hình kinh tế-chính trị quốc tế; lạm phát, suy thoái và biến động tỷ giá; tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ,... Vì vậy, Ban Chấp hành Vinacas đã xem xét điều chỉnh giảm mục tiêu doanh số xuất khẩu điều năm 2023 ở mức còn khoảng 3,1 tỷ USD, chỉ tăng 30 triệu USD so mức đạt được năm 2022.

Ðề cập hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023, Bộ Công thương và các chuyên gia đều nhận định, để duy trì, giữ ổn định và gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là mục tiêu hết sức thách thức. Áp lực bên ngoài đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đến từ 3 kênh, kênh thương mại quốc tế gặp khó khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm tác động đến xuất khẩu. Kênh đầu tư quốc tế cũng ảm đạm khi lãi suất thế giới tăng khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài, tạo sự giảm sút về giá trị đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kênh tài chính tiền tệ mờ nhạt gây nên áp lực mất giá đối với đồng tiền Việt Nam, khiến giá trị quy đổi nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Ở trong nước, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào đang neo ở mức cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng tạo thành áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao,... tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng cảnh báo, hiện tượng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu xảy ra ngày càng nhiều. Tính đến hết năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm,... nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu rất thấp như mật ong, gạch men,... cũng vẫn bị điều tra phòng vệ thương mại.

Tận dụng triệt để các cơ hội

Năm 2023 được đánh giá là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm (2021-2025), góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).

Ðể góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2023 ở mức 6,5% đã đề ra, ngành công thương phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tiền đề để đạt được mục tiêu này là mặc dù có hàng loạt yếu tố gây áp lực, khó khăn lớn, song hoạt động xuất khẩu trong năm 2023 cũng xuất hiện những thuận lợi nhất định. Ðó là việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã dần đi vào thực chất, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường các nước có FTA thế hệ mới đều đạt mức tăng trưởng hơn 20%, thậm chí một số thị trường tăng hơn 30%, vượt trội hẳn so tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản,... đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang chia sẻ, mặc dù tình trạng khó khăn chưa chấm dứt, nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay khoảng 45 tỷ USD, cao hơn năm trước bởi dự báo nhiều yếu tố thuận lợi có thể sẽ giúp ngành dệt may tăng trưởng tốt trở lại từ giữa năm. Ðầu tiên là sự phục hồi của các thị trường châu Âu, châu Mỹ được dự báo sẽ "nóng" trở lại từ cuối quý II tới. Tiếp đó, tăng trưởng ngành dệt may còn được kỳ vọng từ những cơ hội của các FTA thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam-EU. Từ năm 2023, sẽ có thêm nhiều mặt hàng dệt may từ Việt Nam xuất sang EU được áp dụng thuế suất 0%, các mặt hàng còn lại thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020). Ðây được coi là cơ hội vàng cho ngành may mặc Việt Nam khi vào thị trường 27 nước thành viên EU.

Bộ Công thương kiến nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ các FTA để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng lĩnh vực ngành hàng xuất khẩu với các sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường để phục vụ các thị trường ngách, giá trị gia tăng cao. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép;... hay việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA đã ký để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Các cục, vụ chức năng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Bộ Công thương sẽ tăng mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, nhất là khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam...