Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị lỗ do chưa được trợ giá

NDO -

Chiều 18/6, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã có phản hồi liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm là tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị lỗ lớn từ năm 2020 đến nay.

Sau khi được cộng thêm trợ giá của thành phố, đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ hoạt động có lãi.
Sau khi được cộng thêm trợ giá của thành phố, đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ hoạt động có lãi.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021 của Hanoi Metro, năm đầu tiên doanh nghiệp quản lý hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô ghi nhận doanh thu sau khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chính thức vận hành, đạt doanh thu hơn năm tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm ngoái. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.

Theo Hanoi Metro quy định, báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán, Công ty đã gửi cho Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp báo cáo thành phố và công khai thông tin theo nghị định của Chính phủ.

Đại diện Hanoi Metro cho biết, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ công nên giá do TP Hà Nội quyết định (với mức giá rẻ có trợ giá của thành phố) để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại, giảm dần phương tiện cá nhân, giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường do phương tiện cá nhân gây ra. Bởi vậy, đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng như đường sắt đô thị thì thu từ vé không đủ bù đắp chi phí nên được thành phố trợ giá.

Đối với xe buýt của Hà Nội đã được trợ giá từ nhiều năm nay và hiện nay vẫn đang thực hiện. Còn đối với đường sắt đô thị, Cát Linh-Hà Đông là tuyến đầu tiên đưa vào vận hành, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua nghị quyết cho áp dụng các chính sách khuyến khích như xe buýt hiện nay, việc trợ giá cho đường sắt đô thị được quy định trong Luật Đường sắt.

Đại diện Hanoi Metro cho rằng, số liệu báo cáo năm 2021, Công ty bắt đầu vận hành từ 6/11/2021 là số liệu chưa có trợ giá của thành phố (vì chưa có đặt hàng). “Trong thời gian vừa qua, nhờ có sự hỗ trợ của Sở, ban, ngành và sự nỗ lực của Công ty, chúng tôi đã xây dựng đơn giá tạm thời và đã được thành phố phê duyệt”, lãnh đạo đơn vị này chia sẻ.

Hiện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để Thành phố đặt hàng cho tuyến Cát Linh- Hà Đông hai tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Sau khi doanh thu của năm 2021 được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố, theo đại diện Hanoi Metro, “chắc chắn bức tranh tài chính sẽ khác so với báo cáo tài chính hiện nay. Trợ giá của Thành phố không chỉ bù đắp phần thiết hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí mà còn có lãi định mức theo quy định”.