Tháo gỡ vướng mắc
Khởi công từ cuối năm 2009, dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) có chiều dài gần 64 km, chạy song song quốc lộ (QL) 3 cũ. Ðiểm đầu tuyến tại nút giao QL 1 tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội); đi qua ba tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, điểm kết thúc nối vào tuyến tránh TP Thái Nguyên. Ðược thi công với tiêu chuẩn cao tốc loại A, chiều rộng mặt đường 34,5m gồm bốn làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế đạt 100 km/giờ và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đây là một trong bảy tuyến cao tốc hướng tâm về Hà Nội, nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải giữa Thủ đô với các tỉnh miền núi phía bắc như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn. Dự án do Ban quản lý dự án (PMU) 2 làm đại diện chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cũng như hầu hết các dự án giao thông khác, ngay từ khi khởi công, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã vướng phải khó khăn rất lớn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB), kéo dài đến sát thời điểm công trình hoàn thành. Khi tiến hành GPMB đoạn qua Hà Nội, cũng là lúc áp dụng mức giá đền bù mới, khiến kinh phí đội lên gấp nhiều lần so với mức phê duyệt ban đầu, kinh phí đền bù GPMB bị thiếu nghiêm trọng. Cũng do áp giá mới, nhiều vị trí mặt bằng đã bàn giao, nhưng sau đó người dân tái lấn chiếm trở lại, gây khó khăn khi thi công. Việc thi công gần khu dân cư cũng gây lún, nứt nhà và ảnh hưởng sinh hoạt, người dân cản trở khiến việc thi công công trình bị ngừng trệ một thời gian dài. Ðơn cử, đoạn qua địa phận Hà Nội, tại K7+340 - K7+380, vướng 10 hộ dân ở xã Dục Tú (huyện Ðông Anh), đến nay vẫn không thể bàn giao mặt bằng, để bảo đảm tiến độ thi công, sau khi lên phương án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận, chủ đầu tư và nhà thầu phải thay đổi thiết kế, "co hẹp" bớt mái ta-luy và xây kè chống sạt lở, không làm ảnh hưởng mặt đường. Ðoạn qua xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), vướng 49 hộ dân, cho tới đầu tháng 9 vừa qua, địa phương mới bàn giao mặt bằng cho dự án. Xác định GPMB là "căn bệnh nan y" phức tạp, PMU 2 có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương TP Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, quyết liệt tháo gỡ những ách tắc trong quá trình triển khai, đoạn nào được bàn giao là chỉ đạo các nhà thầu cấp tập huy động nhân lực, máy móc vào thi công. Trao đổi ý kiến với chúng tôi trên công trường, Tổng giám đốc PMU 2 Nguyễn Ngọc Long cho biết: Công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm mặt bằng "sạch" phục vụ thi công. Bộ GTVT và PMU 2 và các đơn vị liên quan rốt ráo giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau GPMB, những vướng mắc về tài chính cũng là trở ngại không nhỏ. Theo tính toán, mức độ trượt giá hiện tại vượt rất xa so với dự toán ban đầu. Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu PK 1B Nguyễn Hoàng Hải (Vinaconex) cho biết: Giá các loại vật liệu đều tăng vọt, riêng giá cát tăng gấp hơn hai lần so giá được phê duyệt, khiến các nhà thầu phụ không còn đủ khả năng tài chính. Do vậy, những ngày "nước rút" này, toàn bộ các hạng mục còn lại trên công trường, nhà thầu chính phải đứng ra trực tiếp đảm trách. "Vì danh dự và uy tín thương hiệu dù xác định bị lỗ, chúng tôi vẫn kiên quyết làm cho bằng được và vẫn bảo đảm các tiêu chí về chất lượng cũng như tiến độ" - Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ. Cùng với đó, việc hoàn thuế VAT chậm trễ cũng là nguyên nhân làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà thầu. Mới đây, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã ký văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ vướng mắc trên. Mặt khác, Bộ cũng đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị thu xếp vốn vay ODA cho dự án sớm giải ngân số tiền còn lại (1.400 tỷ đồng) của dự án.
Dồn lực thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng
Ðầu tháng 12, chúng tôi đi thực tế, khảo sát tại một số hạng mục thi công cuối cùng của dự án, chứng kiến trên công trường không khí lao động khẩn trương, tranh thủ từng giờ, từng ngày của những người thợ cầu đường. Từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu đều tung hết lực lượng, thi công ngày đêm, máy móc hoạt động hết công suất. Ðiểm đầu tuyến (nút giao Ninh Hiệp) đến K5+150, thuộc gói thầu PK 1A do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long phụ trách, đang tiến hành thảm mặt đường, hoàn thiện các hạng mục khác như trồng cỏ ở dải phân cách, mái ta-luy, thi công hộ lan, công trình chiếu sáng, thoát nước,... Hạng mục cọc hộ lan, các nhà thầu đã có sáng kiến áp dụng công nghệ mới, đóng thẳng ống cọc tôn mạ kẽm, thay thế cọc bê-tông trước đây phải phải trải qua nhiều công đoạn, vừa bảo đảm mỹ thuật, độ bền cao, vừa giảm bớt thời gian và chi phí thi công. Phó Trưởng phòng PID 5 (thuộc PMU 2) Nguyễn Mạnh Hà, phụ trách gói PK 1 cho biết: Tận dụng thời tiết thuận lợi, không có mưa, các nhà thầu đã huy động phương tiện và nhân lực ở mức cao nhất, tăng ca tăng kíp để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ. Do đó, mặc dù mới bàn giao mặt bằng hơn hai tháng, nhưng do tổ chức thi công tốt, bảo đảm nghiêm ngặt quy trình thi công, nên chắc chắn sẽ hoàn thành đồng bộ với các đoạn khác, bảo đảm thông xe toàn tuyến. Tại gói thầu PK 1A, đoạn 1,7 km do Cienco 8 thi công, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu Nguyễn Trung Tuyến quả quyết: Từ khi ký cam kết đẩy nhanh tiến độ với chủ đầu tư, Cienco 8 đã dồn hết sức cho công trình, phấn đấu hoàn thành gói thầu trong vòng mười ngày đầu tháng 12.
Ở gói thầu PK 1B, do đi qua nhiều khu dân cư xen kẽ đất nông nghiệp có nền đất yếu, việc GPMB, xử lý nền đất yếu và tổ chức thi công của nhà thầu gặp nhiều trở ngại. Lãnh đạo PMU 2 đã yêu cầu nhà thầu tìm mọi cách, tận dụng công địa thi công. Mặc dù phải thay đổi thiết kế, ảnh hưởng tiến độ, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tăng ca, tăng kíp, áp dụng các phương pháp thi công mới, "đuổi kịp" tiến độ đặt ra. Nút giao QL 18 là nút giao lớn và phức tạp nhất của dự án, do Vinaconex đảm trách. Hiện tại, công trường còn ngổn ngang vật liệu, song Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải vẫn đầy tự tin: Vinaconex quyết tâm dốc toàn lực để thi công nút giao này, với phương châm "đủ người, đủ thiết bị, đủ vật tư" cho công trường. Tại nút giao, chúng tôi huy động tới ba đơn vị thi công, cùng 30 xe lu, 40 máy trải thảm nền đường, 10 máy xúc, sáu máy san, bố trí công nhân làm ba ca cả bảy ngày trong tuần, quyết tâm hoàn thành cầu chính tuyến vào đầu tháng 12 và toàn bộ nút giao trước ngày 31-12 để kịp thời thông xe.
Trên tuyến, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều đoạn dang dở, vật liệu tập kết ngổn ngang, hệ thống đường ngang và đường gom chưa hoàn thiện,... Chia sẻ băn khoăn này, Tổng Giám đốc PMU2 Nguyễn Ngọc Long nói: Bộ GTVT và lãnh đạo PMU2 đã chỉ đạo các nhà thầu dứt khoát phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo. Lãnh đạo PMU 2 thường xuyên đi thị sát tuyến, đôn đốc các nhà thầu, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, đồng thời lập các tổ công tác liên tục bám công trường, yêu cầu tư vấn, giám sát cắt cử cán bộ làm việc không kể thứ bảy và chủ nhật, sẵn sàng phối hợp và tạo thuận lợi để các nhà thầu thi công bảo đảm chất lượng hiệu quả, đưa dự án "cán đích" đúng hẹn vào ngày 31-12. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi đi vào khai thác, sẽ góp phần quan trọng giảm tải cho QL 3 cũ, đồng thời nâng cao năng lực vận tải, giảm thời gian, chi phí vận chuyển; đẩy mạnh giao thương giữa Hà Nội và các vùng lân cận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng Thủ đô và các tỉnh phía bắc, mà còn tạo xung lực tương tác phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.