Vừa vẽ vừa đợi cây ra quả
Thừa hưởng gien họa sĩ của dòng họ Bùi (ông là em họ của họa sĩ Bùi Xuân Phái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) ông say mê vẽ từ thuở bé, nhất là các nhân vật trong Tam quốc chí. Mỗi lần có khách đến chơi, bố ông thường bảo ông ra vẽ các nhân vật trước mặt khách.
Lớn lên học trung học ở trường Bưởi, một tuần có một buổi học vẽ trên lớp, ông luôn được điểm cao vì vẽ nhiều tranh biếm họa hay. Ông cũng từng dành ba tháng hè đi học những khái niệm cơ bản về hội họa do thầy Lương Xuân Nhị dạy.
Nhưng mẹ ông lại buồn phiền khi thấy con mình suốt ngày theo nghiệp vẽ vời. Chiều lòng mẹ, ông thi vào Đại học Dược, chuyên ngành Thực vật và Dược liệu. Tại trường, các GS Vũ Văn Chuyên, Đỗ Tất Lợi đã thường xuyên khuyến khích ông vẽ các cây thuốc và dược liệu.
Sau này qua sách của các thầy, ông đã thấy tranh vẽ của ông - dù là phác thảo vẫn được các thầy sử dụng.
Tốt nghiệp đại học năm 1960, ông làm công tác Dược chính ở bệnh viện Vĩnh Phúc, rồi phòng Hóa học (trạm kiểm nghiệm Vĩnh Phúc).
Cuối cùng chuyển về Viện Dược liệu, công tác tại phòng điều tra sưu tầm. Được mọi người khuyến khích và tạo điều kiện, ông mải mê vẽ. Dần dần quen tay, các bản phác thảo ngày càng dày lên, đẹp ra. Người xưa có câu "nhất nhân nhì mộc" (khó nhất là vẽ người, thứ nhì là vẽ cây) không biết có đúng vậy không? Nhưng với ông Chương, để hoàn chỉnh một bức họa về cây thuốc có khi mất ba, bốn ngày và tốn khá nhiều giấy nháp.
Bởi ông phải tìm hiểu xem cây thuốc đó họ gì, chi nào, loài nào. Phải tìm hiểu tại sao nó lại được đặt tên khoa học như vậy. Rồi đọc tài liệu có liên quan đến cây đó sao cho hình vẽ là một bài mô tả chữ khiến cho người xem nhìn như cây thực mới giúp tìm kiếm cây thuốc thuận lợi.
Nhiều loại cây có những bộ phận thân, cành, na ná giống nhau, phải vẽ sao cho chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Với những loại cây thuốc to có thể lựa chọn một cành dễ nhận biết nhất để vẽ, với cây nhỏ thì vẽ minh họa cả cây. Cây nào có hoa, có quả, hay có củ... thì cũng phải vẽ minh họa luôn ra bên cạnh để tổng quát một cây thuốc. Có cây thuốc hoa nhỏ li ti, mắt thường không nhìn thấy gì, phải lấy kính lúp ra soi mới vẽ được. Có cây thuốc phải một năm mới vẽ xong vì phải đợi cây ra quả! Với ông, khó khăn nhất là vẽ quả, vì phải mổ xẻ ra vẽ các chi tiết bên trong quả dưới kính hiển vi, đòi hỏi nhiều thời gian.
Đi khắp Việt Nam, Cuba, Lào vẽ cây
Cây Hoàng đằng. |
Ông Chương đã đi đến khắp mọi miền đất nước (trừ Cà Mau là chưa đến) để vẽ tranh về cây thuốc. Trên đường công tác có nhiều lương y nhiệt tình dẫn đường tìm cây thuốc. Cụ lang Vũ Hỷ (dân tộc Tày, Lạng Sơn) còn sưu tầm hàng loạt các cây thuốc đem về trồng tại vườn nhà đến khi ra hoa, quả cụ lại nhắn ông lên vẽ. Ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) có một cánh đồng rộng, bà con trồng nhiều cây thuốc quý. Nhưng ở đó nhiều ruồi kinh khủng, nó mà cắn một cái là đau điếng người. Sợ ruồi "khủng bố", ông phải mua màn mắc giữa cánh đồng vẽ những bức phác thảo đen trắng, tối về nhà tô màu. Nhiều khi mải mê vẽ trong rừng, vắt cắn mà không biết, vẽ xong người đẫm máu. Có những cây khó vẽ, hoặc có những chuyến công tác tìm được nhiều cây quá, ông phải ngâm cây vào dung dịch cho tươi rồi vẽ dần dần.
Năm 1982 và 1983, hai lần ông được mời sang Cuba giúp bạn điều tra cây thuốc. Lần thứ nhất sang, suốt sáu tháng ròng ông đi hầu khắp đất nước Cu Ba (từ La Habana đến Santiago de Cuba) tìm kiếm cây thuốc và vẽ cho các đề tài nghiên cứu. Lần thứ hai sang, ông chỉ ngồi tại chỗ, mẫu vật được cung cấp đầy đủ. Vẽ được 199 cây thuốc, đến cây thứ 200 thì không kịp vì đã cận ngày về để đi Lào.
Vừa rồi một người bạn Cuba (tên Victor Fuentes) sang Việt Nam cho biết những bức họa của ông đã được in thành sách.
Quá trình điều tra ở Lào ông cũng vẽ giúp bạn rất nhiều tranh cây thuốc. Cây thuốc ở Lào cũng như Việt Nam, nhiều cây có mẫu sẵn, nên ông vẽ rất nhanh. Ông còn đi Ấn Độ, Trung Quốc để tìm hiểu và vẽ nhiều loại cây thuốc để so sánh với cây thuốc Việt Nam.
Có người bạn khuyên ông cứ vẽ rồi công bố dần từng họ cho các cây thuốc, nhưng ông chỉ chuyên chuyện vẽ. Viết về một cây thuốc phải có tranh minh họa, tranh minh họa càng chi tiết càng có tính khoa học.
Năm 1971, cùng với dược sĩ Đỗ Huy Ích ông đã ra cuốn Sổ tay cây thuốc (NXB Y học). Cuốn này được tái bản ba lần các năm sau đó. Đến năm 1990 là cuốn Cây thuốc Việt Nam - Medicinal Plants in Vietnam được Tổ chức Y tế thế giới tài trợ in bằng hai thứ tiếng Việt- Anh. Tiếp đến là cuốn Medicine Traditional et Pharmacopédia I và II (Y học cổ truyền và dược điển), toàn bộ tranh vẽ minh họa là do ông thực hiện. Rồi nữa là tham gia vẽ tranh cho cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I và II với gần 1.000 cây thuốc và 60 động vật làm thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu mới. Để hoàn thành 1.000 bức tranh mầu đó, ông đã phải dùng đến năm chiếc bút kim (vẽ những nét nhỏ nhất), nhờ mua tại Mỹ với giá 35 USD một chiếc.
Và những nỗi niềm trăn trở
Cây Ba kích. |
Ông đã thấy những bức tranh về cây thuốc của mình, được phóng to, được đóng khung, được lồng kính trưng bày trong các hiệu thuốc nhưng không có tên tác giả. Người ta còn sao tranh ra bán cả trong các cửa hàng lưu niệm, làm bìa cho những cuốn sách về y dược và cũng chẳng cần hỏi ý kiến ông. Một lần mua tem thư, ông thấy hàng loạt bức họa của mình được chuyển thành tem do họa sĩ Lương Nhi vẽ.
Ông đến Công ty tem khiếu nại (vì ông cũng từng là cộng tác viên, thỉnh thoảng có vẽ những bức họa để gửi in tem), giám đốc trốn không gặp. Cô Lương Nhi gặp, đưa cho ông một ít tiền "để bồi dưỡng".
Tranh về cây thuốc của ông còn được thể hiện trên bao bì thuốc Dogarlic của Công ty XNK Y tế Đồng Tháp, thuốc "Diệp hạ minh châu" của Công ty Dược phẩm 2-9... nhưng chẳng ai nói đến trả tiền tranh cả.
Mới đây trong chương trình Người đương thời, bà giám Công ty Cổ phần Traphaco phát biểu trên truyền hình rất bất bình về tình trạng ăn cắp bản quyền mẫu các sản phẩm thuốc như: "hoạt huyết dưỡng não", "trà gừng"... Bà yêu cầu các Công ty Dược liệu ngừng ngay việc sản xuất thuốc có mẫu nhãn tương tự mẫu sản phẩm này, trong khi tranh minh họa các mẫu sản phẩm đó là tranh của ông, thì bà coi như không biết.
Cả báo Sức khỏe và đời sống, tạp chí Cây dược liệu cũng thế. Hàng năm có rất nhiều bức họa của ông được đăng nhưng rất ít khi họ đề tên tác giả, chứ chưa nói đến tiền nhuận tranh. Gần đây, một cô phóng viên báo Sức khỏe và đời sống gọi điện đến xin phỏng vấn, ông nói ngay: "Cô đến đây đi, báo cô đăng tranh của tôi mà chẳng chú thích gì cả!".
Mặc dù đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, không còn đi xa được nữa, nhưng ông vẫn vẽ những họa phẩm về cây thuốc cho Viện Dược liệu, cho dự án cây rừng của VQG Cúc Phương, dự án "thầy thuốc không biên giới"... Dù cho bây giờ (máy ảnh không thiếu, nhưng tranh vẽ minh họa cây thuốc vẫn là một nhu cầu không thể thiếu.
Thế nên thỉnh thoảng tìm được cây thuốc mới người ta lại nhúng nước, cho vào túi bóng "hỏa tốc" mang về cho ông vẽ. Ngoài tranh về cây thuốc ông còn vẽ tranh về các loại động vật để làm thuốc.
Cuốn Sổ tay cây thuốc lần đầu tiên xuất bản, vẽ còn thiếu kinh nghiệm nhìn rất thô, giấy cũ nhàu, vì ông đã mở đi mở lại rất nhiều lần để vẽ.
Nhưng các bức họa trong các cuốn sách xuất bản sau này rất rõ nét và độc đáo. Ông chỉ mong muốn mở được một triển lãm tranh để mọi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo về cây thuốc Việt Nam qua tranh.