Sau khi ra mắt tại NXB Đại học North Carolina (Mỹ), cuốn sách Cuộc chiến của Hà Nội (đầy đủ: Cuộc chiến của Hà Nội - lịch sử quốc tế của cuộc chiến tranh vì hòa bình ở Việt Nam - Hanoi's war -international of war for peace in Vietnam) của Liên Hằng lập tức được một số người hết lời ca ngợi. BBC, VOA, RFA,... cũng vội vã nhập cuộc, không chỉ giới thiệu, mà còn thi nhau phỏng vấn, tạo điều kiện để Liên Hằng quảng bá "kết quả nghiên cứu". Rồi ngày 19-3 mới đây, RFA trở lại với Liên Hằng, chị ta lại có cơ hội khoác lác về mấy điều của cuốn sách vừa xuất bản, qua bài viết có nhan đề Đập tan các huyền thoại về Việt Nam(Exploding the Myths About Vietnam)!
Ngày 16-11-2012, trong bài đã đăng trên BBC, tác giả Bùi Văn Phú cho rằng với cuốn sách, Liên Hằng đưa ra "một cách nhìn khác về cuộc chiến..., đó là chiến tranh do Hà Nội chủ động, từ khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1950 cho đến lúc thành công vào tháng 4-1975". Đúng vậy, qua tám chương và phần kết luận, Liên Hằng chỉ xăm xăm đạt tới mục đích duy nhất là huy động tài liệu chứng minh lãnh đạo miền bắc Việt Nam đã gây ra chiến tranh!
Do vậy, về bản chất, "cái nhìn" của Liên Hằng không có gì mới, chỉ là sự nối dài luận điệu "miền bắc cưỡng chiếm miền nam" mà một số kẻ vẫn rêu rao suốt 40 năm qua. Và khi kết luận: "Chìa khóa chiến thắng sau cùng của Hà Nội không phụ thuộc vào việc đã tiến hành các trận tổng công kích, hoặc ngay cả việc chiếm được lòng dân ở miền nam, thay vào đó, nằm ở chiến dịch quan hệ quốc tế của họ để hỗ trợ cho các phong trào phản chiến trên thế giới", Liên Hằng đã đánh tráo sự thật. Vì sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam rất quan trọng, nhưng yếu tố cơ bản nhất để dân tộc Việt Nam đi tới ngày 30-4-1975 là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ý chí và tinh thần quả cảm, là nỗ lực và sự hy sinh đến mức đã trở thành huyền thoại của hàng triệu con người để hiện thực hóa "giấc mơ truyền qua các thế hệ, từ các bậc ông cha đã chống lại ách cai trị của người Pháp và chính quyền tay sai, sau này là Hoa Kỳ", như Tiến sĩ N. Turse (Tơ-xơ) ở Mỹ, viết ngày 23-2-2015 vừa qua trên thenation.com.
Để đánh giá kết luận của Liên Hằng, chỉ cần đề cập quá trình can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và cố gắng xây dựng, nuôi dưỡng chế độ Ngô Đình Diệm để phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), tận diệt phong trào cách mạng và chia cắt Việt Nam, sẽ thấy tác giả đã nghiên cứu để xuyên tạc sự thật như thế nào. Trước hết, dù Liên Hằng rất tự đắc vì huy động rất nhiều tài liệu, nhưng mấy trăm trang sách của chị ta hầu như lại không có các tài liệu mà không cần mò mẫm trong thư viện trường đại học lớn, hay thư viện của tổng thống Mỹ, chỉ cần tìm trên in-tơ-nét sẽ thấy.
Thí dụ: Tháng 9-1950, Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) được thành lập để giám sát việc sử dụng trang thiết bị quân sự viện trợ của Mỹ hỗ trợ Pháp chống lại Việt minh; tháng 9-1954, Mỹ và Pháp thỏa thuận "chống lại sự phát triển ảnh hưởng hay sự kiểm soát của Việt minh, ủng hộ Diệm thành lập, duy trì một chính phủ mạnh, chống cộng, theo chủ nghĩa quốc gia"; tháng 11-1954, Eisenhower (Ai-xen-hao) cử Colin (Cô-lin) (Tham mưu trưởng lục quân) làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Colin tuyên bố: "Hoa Kỳ chủ trương tăng cường lực lượng quân sự cho miền nam Việt Nam... huấn luyện quân đội miền nam và 90% trang bị sẽ là của Hoa Kỳ"; tháng 2-1955, Mỹ quyết định giao viện trợ quân sự trực tiếp cho chính quyền Diệm, trách nhiệm quân sự chuyển từ phía Pháp sang cho MAAG...
Về phía Ngô Đình Diệm, sau khi được Mỹ đưa về miền nam làm thủ tướng trong chính phủ Bảo Đại, rồi phế truất ông vua bù nhìn này để giành toàn bộ quyền lực, được sự hỗ trợ của Mỹ, Ngô Đình Diệm ra sức cự tuyệt việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (như: tuyên bố "tổng tuyển cử là không thể thực hiện", bác bỏ đề nghị của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tổ chức Hội nghị hiệp thương,...), tiến hành các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", ban hành Luật 10/59 để giết hại những người kháng chiến, yêu nước...
Phớt lờ tính liên tục lịch sử, lại bỏ qua yêu cầu khách quan và toàn diện, nên hầu như Liên Hằng không đề cập tới các sự kiện trên. Nếu đề cập, chẳng hóa ra bài toán đã chuẩn bị trước lời giải của chị ta lại trở nên vô nghĩa. Vì các sự kiện đó và vô số sự kiện tương tự đã diễn ra cả chục năm trước khi Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam - nay là Đảng Cộng sản Việt Nam - ra đời. Các sự kiện đó là sự thật chứng minh ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ đã thực hiện rất nhiều biện pháp trực tiếp, cụ thể để thực hiện âm mưu thay thế Pháp ở Việt Nam.
Trong bối cảnh cách mạng miền nam bị đàn áp tàn bạo, đất nước bị đẩy vào tình huống chia cắt lâu dài,... không còn con đường nào khác, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã buộc phải quyết định chuyển hướng chiến lược để đưa sự nghiệp cách mạng vào thời kỳ mới là xây dựng, bảo vệ miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đây là tình thế "kẻ thù buộc ta ôm cây súng" như ca từ một ca khúc của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Đó là cơ sở lý giải tại sao các đời tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến Ford (Pho) dù đã triển khai nhiều chiến lược, liên tục "leo thang" chiến tranh lên các tầng nấc cao hơn, tốn kém vũ khí và tiền bạc, làm tổn hại sinh mạng của quân nhân Mỹ nhưng vẫn thất bại, đành phải bỏ rơi "đứa con Việt Nam cộng hòa". Đó là tình thế Liên Hằng không hiểu, hoặc chị ta cố tình không hiểu để biện hộ cho cái ác, cái xấu, đánh tráo sự thật để xuyên tạc sự thật.
Đọc danh sách vô số tổ chức, cá nhân được Liên Hằng liệt kê để cảm ơn sau khi thực hiện cuốn sách, tiếp cận hàng trăm trang ghi chú tài liệu tham khảo, người đọc dễ lầm tưởng công phu nghiên cứu khoa học của Liên Hằng. Song đọc kỹ sẽ thấy đây chỉ là tài liệu khai thác từ một phía và tác giả chỉ chọn tài liệu nào phù hợp với mục đích của mình, rồi xào xáo, nhào trộn các tài liệu này với đủ thứ tin đồn, sự kiện mơ hồ, thông tin không được kiểm chứng để... đoán mò theo kiểu "ắt hẳn" nghĩ thế này, "có lẽ" đã làm thế kia! Bằng thủ pháp bịa đặt, gán ghép, tác giả xưng xưng mô tả quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước là quá trình thực hiện tham vọng, đầy âm mưu, thủ đoạn, triệt hạ lẫn nhau, hầu như trận đánh nào cũng thất bại (điều này đúng là liều thuốc an thần cho một số người vẫn tự an ủi "đã thắng trong các trận đánh nhưng thua một cuộc chiến tranh"!).
Lối mô tả đó kết hợp với việc coi "chìa khóa chiến thắng" phụ thuộc vào nước ngoài nhằm phủ nhận các nguyên nhân quan trọng nhất đưa tới thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Một cách lắt léo, Liên Hằng cố gắng trả lời hai câu hỏi mà chị ta có sẵn đáp án: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Mỹ đã gây ra chiến tranh? Ai là người chịu trách nhiệm ở bên gây ra chiến tranh? Với câu hỏi thứ nhất, đã phân tích chỉ rõ sự xảo trá của Liên Hằng. Với câu hỏi thứ hai, việc chị ta tìm mọi cách gán trách nhiệm vào một cá nhân lãnh đạo của Việt Nam là hết sức kỳ quặc, vì người viết hoàn toàn không tìm hiểu bản chất, tính chất, nguyên tắc tổ chức của cách mạng Việt Nam.
Bởi nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân, song cách mạng Việt Nam khẳng định nhân dân mới là lực lượng có vai trò quyết định trong tiến trình cách mạng. Nếu không có khối đoàn kết toàn dân tộc, thiếu niềm tin vào lý tưởng, thiếu ý thức tự tôn, thiếu tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do thì nhân dân Việt Nam đã không thể đương đầu, đánh bại đội quân có sức mạnh vật chất mạnh hơn gấp nhiều lần. Với các phẩm chất ấy, hàng triệu thanh niên đã vượt Trường Sơn ra trận, hàng vạn bà mẹ đã tiễn người con duy nhất vào quân ngũ, hàng vạn người đã làm nên hình ảnh cao đẹp với khăn rằn, mũ tai bèo, khẩu súng trong tay của nữ du kích miền nam...
Viết cuốn sách Cuộc chiến của Hà Nội, xét cho cùng, Liên Hằng cũng không thoát khỏi "vòng kim cô" của xu hướng biện hộ cho thất bại vốn là nỗi cay đắng của một số người ở đất nước mà chị ta là công dân.
Chỉ có điều không hiểu vì sao BBC, VOA, RFA,...không nhận ra điều đó, mà còn tiếp tay cho những phát ngôn xằng bậy? Chẳng lẽ họ không biết ngay sau khi cuốn sách ra đời, trong bài Những gì đã thực sự xảy ra tại Việt Nam: miền bắc, miền nam, và sự thất bại của Mỹ,tác giả F. Logvall (P.Lốc-van), thuộc Đại học Cornell (Mỹ), thẳng thừng nhận xét: "Cuộc chiến của Hà Nội chỉ đóng góp một cách rất hạn chế cho các nghiên cứu có tính chất xét lại về cuộc chiến...
Tác phẩm này rốt cuộc đã không hề thách thức quan điểm thịnh hành hiện nay cho rằng Mỹ và đồng minh nam Việt Nam luôn phải đối đầu với các bất lợi trường kỳ trong cuộc chiến. Sự tận tụy hy sinh, sự kiên trì không thể lay chuyển, khả năng chiến đấu tài tình của đối phương, từ đầu chí cuối là phi thường... Trong khi đó, chính phủ Sài Gòn đã bị què quặt từ đầu vì ba khuyết tật chính mà không sự can thiệp nào của Mỹ có thể khắc phục: sự yếu kém của một quân đội chuyên nghiệp, tham nhũng tràn lan, thiếu hậu thuẫn của dân chúng"!