Hiện có rất ít trường học trên cả nước được trang bị hệ thống chiếu sáng chuẩn. Tại các góc học tập ở từng gia đình, tình hình không khả quan hơn là mấy. Nguyên nhân là nhận thức chưa đúng về cách sử dụng ánh sáng có lợi cho mắt và sức khỏe, chứ chưa hẳn vì thiếu kinh phí.
Hiện phòng học ở các trường trên toàn quốc rất đa dạng về diện tích, chiều cao trần. Thiết bị chiếu sáng đang sử dụng cũng rất đa dạng: 14 đèn huỳnh quang 40W/phòng; 7 bóng đèn tròn loại 100W/phòng; có nơi tìm cách đem lại nhiều ánh sáng cho học sinh bằng cách sử dụng sai chức năng đèn: dùng cả bóng cao áp 125W, 250W hay bóng đèn tròn 200W. Các bóng đèn được lắp trực tiếp vào trần, tường nhà, không có chao chụp gây lóa bảng, lóa mắt học sinh và giáo viên.
Theo kết quả từ chương trình nghiên cứu chiếu sáng học đường thực hiện từ năm 1997 đến nay, độ rọi sáng trên mặt bảng và bàn học phải đạt tiêu chuẩn từ 300 đến 450 - 500 lux và phải đồng đều trong toàn lớp. Phối hợp với ánh sáng đạt tiêu chuẩn là bàn ghế trong lớp và tranh ảnh, khẩu hiệu cần có màu nhạt và không bóng; bảng không lóa, giấy làm sách vở không trắng bóng để không tạo ra ảo ảnh của các nguồn sáng làm lóa mắt học sinh. Bàn học sinh tuyệt đối không dùng loại có sơn PU bóng loáng, có thể thấy bóng của cửa sổ, cửa ra vào và các bóng đèn, vừa đắt tiền vừa làm hại mắt học sinh. Trong phòng vi tính cũng phải mắc đèn sao cho mắt không thấy bóng của bóng đèn trong màn hình. Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải: "Loại đèn tốt nhất để học là loại đèn sử dụng bóng compact với ánh sáng trời nắng nhưng không có mây (5.310 độ K) và phải được lắp đặt với chao chụp đúng quy cách".
Đối với góc học tập ở nhà vào ban tối, cần đèn phải cao ít nhất 40 cm, tạo ra trường ánh sáng rộng ít nhất là 40x40cm2 có độ rọi sáng trung bình từ 300 lux trở lên. Nên dùng bóng đèn compact hình chữ U có công suất không quá 11 lux, máng dài che khuất bóng đèn. Không nên dùng các đèn có máng loa trong không sâu, máng bẹt rất nông để lộ bóng đèn làm hại mắt.