Đưa nước sạch về bản ở xã biên giới tỉnh Quảng Bình

Mấy đứa trẻ ở bản Cà Roòng 2, xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa tắm vừa reo lên "Roa lữ Giàng ơi" (vui quá trời ơi) bên những thùng nước trong veo được bơm lên từ giếng khoan giữa bản.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng khoan giếng cung cấp nước sạch cho người dân bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình).
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng khoan giếng cung cấp nước sạch cho người dân bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình).

Người cán bộ biên phòng đi cùng chúng tôi giới thiệu, đó là giếng nước mà bộ đội biên phòng vừa tặng dân bản. "Mùa này, anh em tôi khá bận rộn với công việc đi tìm để đưa nước sạch về cho người dân"-anh nói rồi giục chúng tôi đi nhanh về phía bản Nịu, ở đó có công trình nước mà bộ đội vừa tổ chức khoan xong.

Tuy không đến mức nắng nóng như dưới xuôi, mùa này lên biên giới, xuyên qua rừng nguyên sinh của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cái nắng tháng 6 ở miền trung có phần dịu hơn. Dịu nhưng tiết trời vẫn oi bức.

Dẫn chúng tôi đi, Trung tá Phan Quang Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng vừa trò chuyện. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, trong những ngày hè này cán bộ, chiến sĩ ở đây còn có thêm công việc quan trọng là đi tìm, đưa nước sinh hoạt về cho đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) và A Rem (dân tộc Chứt) để ổn định đời sống.

Ở vùng biên giới Thượng Trạch, khe suối nhiều nhưng chỉ đầu hè đã cạn nước. Người dân phải đi xa hoặc dùng đá ngăn suối, tạo thành vũng để lấy nước sử dụng nhưng do nước ô nhiễm nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Để chia sẻ khó khăn này với dân bản, bộ đội biên phòng ở Cồn Roàng nhận nhiệm vụ đi tìm, đưa nước sinh hoạt về cho người dân.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, trong những ngày hè này cán bộ, chiến sĩ ở đây còn có thêm công việc quan trọng là đi tìm, đưa nước sinh hoạt về cho đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) và A Rem (dân tộc Chứt) để ổn định đời sống.

Trung tá Phan Quang Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng

1. Khi chúng tôi đến đầu bản Nịu thì tiếng máy khoan giếng vừa tắt. Một chiến sĩ ra đón cho biết, công việc khoan giếng đã thành công, nguồn nước mát được lấy lên từ độ sâu chừng 40m đủ để cung cấp cho các hộ trong bản.

Theo chân anh, chúng tôi đi nhanh về cuối bản, rồi đến bên triền đồi thoai thoải. Ở đó, một nhóm thợ và tổ công tác của bộ đội biên phòng đang thu dọn máy móc, dụng cụ khoan giếng.

Trung tá Phan Quang Thành cho biết, các anh chọn cuối bản để khoan vì giữa bản trước đó đã khoan một giếng rồi; vả lại, nơi đây chuẩn bị được xây dựng một khu tái định cư cho 25 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở di dời đến.

"Nếu không có nước thì sao thuyết phục được người dân đến tái định cư. Đây là công việc khó nhưng Ban Chỉ huy Đồn đã hứa với cấp ủy, chính quyền là bộ đội biên phòng sẽ cố gắng hết sức để huy động nguồn lực và tổ chức khoan giếng tặng người dân. Dù khó khăn và mất khá nhiều thời gian khoan do địa hình toàn đá nhưng cuối cùng, việc khoan giếng đã thành công". Trung tá Phan Quang Thành nói rồi nhặt lên cho tôi xem một thỏi hình trụ dài chừng 30cm khá nặng, xỉn màu của sắt phế liệu, là sản phẩm của quá trình khoan giếng đang nằm ở công trình.

Để chứng minh cho lời giới thiệu của người cán bộ biên phòng, một người thợ khoan quay sang kéo dây điện, nổ máy phát rồi từ từ dùng hai múi dây buộc tạm trên miệng giếng cắm vào ổ điện. Từ trong giếng khoan bật lên tiếng xè xè của máy bơm, dòng nước trong mát tuôn ra làm chúng tôi reo lên. Trung tá Phan Quang Thành và một số người dân trong bản dùng hai bàn tay úp vào nhau đón dòng nước mát rồi áp vào mặt khoan khoái cảm nhận.

Già Hồ Đảng ở bản Nịu chia sẻ: "Già định cư ở đây hơn 20 năm rồi và chỉ biết múc nước suối sử dụng thôi. Năm trước được bộ đội biên phòng tặng một giếng khoan, nước nhiều nhưng máy bơm sử dụng điện mặt trời nên bơm nước lúc được, lúc không. Bây giờ bộ đội lại hỗ trợ thêm một giếng nữa dùng máy phát điện thì thuận lợi hơn, nước sạch đầy đủ hơn nên bà con bản Nịu vui lắm".

2. Trên đường trở ra trung tâm xã Thượng Trạch, chúng tôi ghé lại bản Cà Roòng 2. Nhóm trẻ sau một hồi tắm mát đã trở về nhà, giờ chỉ còn mấy phụ nữ đến lấy nước.

Theo Trung tá Phan Quang Thành, sau khi khoan giếng, bộ đội biên phòng kéo đường ống, sử dụng điện mặt trời để chạy máy bơm, nước được bơm đầy vào bồn chứa có thể tích 5.000 lít, từ đó người dân đến lấy về dùng. Tuy nhiên, tháng trước do hệ thống pin mặt trời và ắc-quy tích điện bị hỏng, người dân thiếu nước sạch, lại phải xuống suối.

"Ban Chỉ huy đơn vị sốt ruột nhưng nơi biên giới, biết tìm đâu thợ sửa thiết bị điện mặt trời bây giờ. Vậy là, mấy anh em trong đơn vị biết chút ít về thiết bị điện, cơ khí được cử xuống mày mò, tìm cách khắc phục. Và rồi kết quả ngoài sự mong đợi. Mấy hôm nay nắng to, điện dùng cho máy bơm thoải mái và nhờ thế, nước sạch đến với người dân thường xuyên và đầy đủ hơn. Cả bản lại vui như hôm được bộ đội tặng giếng nước", Trung tá Phan Quang Thành kể.

Trở về Đồn Biên phòng Cồn Roàng thì trời đã xế trưa, nhưng chúng tôi vẫn thấy trong sân khuôn viên của đơn vị thấp thoáng bóng người dân quanh những bồn chứa nước bằng inox và nhiều cuộn ống nước mầu đen.

Phó Đồn trưởng Phan Quang Thành cho biết, bộ đội và người dân ở bản Coóc chuẩn bị chuyển vật tư xuống bản để chiều thi công công trình nước sạch. Nói rồi anh kéo tôi ra phía sau đồn chỉ xuống con suối chảy qua đầu bản Coóc mà giờ chỉ còn một lạch nhỏ. Ai đó đã lấy đá ngăn lại để tạo thành vũng nước ngang đầu gối. Trong vũng ấy, một phụ nữ đang giặt giũ, còn lũ trẻ thì đang vô tư tắm và… phơi nắng.

Trung tá Phan Quang Thành cho biết, phía sau bản Coóc, trước đây, đơn vị rất khó khăn mới đào được một giếng khơi, nhưng nay không sử dụng được vì lâu ngày lá rừng rơi xuống nên cạn mất. Bộ đội đang có kế hoạch vét sạch, khơi thông giếng và bơm nước lên bồn chứa cho người dân dùng.

Trước mắt, Ban Chỉ huy Đồn quyết định kéo ống, đưa nước từ bể chứa của đơn vị về bồn inox thể tích lớn để phục vụ dân bản.

Nghe bộ đội biên phòng nói nên giữa trưa, Trưởng bản Coóc Đinh Hiêng đã huy động người dân lên trụ sở Đồn hỗ trợ chuyển bồn và ống nước xuống bản để làm công trình nước sạch.

Đưa nước sạch về bản ở xã biên giới tỉnh Quảng Bình ảnh 1
Người dân bản Coóc, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) chuyển vật liệu về bản để bộ đội biên phòng làm đường ống dẫn nước.

Trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng giới thiệu, ở đơn vị, nói đến việc nắm bắt tình hình về nguồn nước và kinh nghiệm đào, khoan giếng thì không ai giỏi như Thiếu tá Dương Đình Hồng, nhân viên vận động quần chúng của Đồn.

Quả thật, trò chuyện với người lính dày dạn gió sương này mới thấy anh gắn bó với vùng biên cương Thượng Trạch đến thân thuộc, bản làng của đồng bào xa xôi là vậy song với anh như trong lòng bàn tay.

Thiếu tá Dương Đình Hồng chia sẻ, bây giờ, bộ đội biên phòng tặng giếng khoan và bơm nước để người dân sử dụng lâu dài chứ trước đây, giúp dân bản là đào giếng khơi, mà loại giếng này nơi vùng biên giới đào được là cả một hành trình gian nan.

Nhớ lại chuyện đào giếng ở bản Cồn Roàng, anh kể: Do các bản của người Ma Coong định cư ở triền núi đá cho nên việc tìm nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Khi nghe bộ đội bàn cách đào giếng ở bản, già làng và nhiều người không dám tin sẽ làm được việc này, bởi bên triền núi cao toàn đá, đào được cái giếng phải mất nhiều công sức mà chưa chắc đã có nước.

Tuy nhiên, sau nhiều lần khảo sát mạch nước ngầm, bằng kinh nghiệm, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã chọn khoảnh đất ở bên bờ suối để đào giếng.

Khi giếng đào được 2,5m thì gặp phải mảng đá dàn chắn ngang cả lòng giếng. Không có dụng cụ khoan cắt đá, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ và quyết tâm "có công mài sắt có ngày nên kim", các cán bộ, chiến sĩ trong đội đào giếng bằng đôi tay chai sần và tấm lưng thấm đẫm mồ hôi thay nhau dùng nỏ sắt, búa tạ để đục từng mảnh đá...

"Sau nhiều ngày miệt mài đục đá, chúng tôi đục thủng được 3,5m đá gan xanh cứng như sắt. Sau hàng chục ngày đục đá, đào giếng, mạch nước ngầm đã phun trào trong sự vui mừng của bộ đội và dân bản", Thiếu tá Dương Đình Hồng phấn khởi cho biết.

Theo Trung tá Thái Nam Long, năm nay, đơn vị vận động các đơn vị, cá nhân ủng hộ và trích từ kinh phí của đơn vị để làm năm giếng khoan và một công trình nước tự chảy tặng đồng bào ở Thượng Trạch. Mỗi giếng đều có máy bơm, bơm nước lên bồn chứa để từ đó dân bản đến lấy về dùng. Kinh phí thực hiện mỗi công trình khoảng 70 triệu đồng, do bộ đội trực tiếp thi công, quản lý, hỗ trợ vận hành và khi người dân biết cách sử dụng an toàn thì chuyển giao cho bản. Hiện, máy bơm sử dụng điện mặt trời, nhưng do nguồn điện không ổn định cho nên hoạt động cấp nước không được thường xuyên, đơn vị quyết định chuyển sang tặng máy phát điện dùng xăng. Dự kiến mỗi hộ sẽ đóng góp 5.000 đồng/tháng để mua xăng chạy máy phát điện phục vụ bơm nước sinh hoạt.

Trong những ngày nắng nóng trên miền biên giới phía tây Quảng Bình, dòng nước mát lạnh được dẫn đến tận các bản làng đã làm dịu đi sự oi bức, lan tỏa và gắn kết thêm tình quân dân bền chặt.

Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ai cũng vui vì đã có nước sạch sử dụng, giúp họ có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống và vươn lên.