Đưa hầm bi-ô-ga về miền núi Con Cuông

Hiện nay, bà con nông dân huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi với quy mô lớn. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, tận dụng được chất thải chăn nuôi, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng thêm hầm khí bi-ô-ga, vừa có thêm nguồn chất đốt, giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Người dân bản Khe Choăng, xã Châu Khê xây bể bi-ô-ga.
Người dân bản Khe Choăng, xã Châu Khê xây bể bi-ô-ga.

Con Cuông hiện có tổng đàn gia súc là 37 nghìn con trâu, bò; 25 nghìn con lợn. Trước đây, do tập quán chăn nuôi theo hình thức thả rông, vì vậy lượng chất thải chăn nuôi thải ra hằng ngày không nhỏ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân. Chị Lô Thị Phòng ở bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông cho biết: "Trước đây, bà con chưa ai sử dụng hầm khí bi-ô-ga cả, cho nên hằng ngày trâu, bò, lợn phóng uế ra khắp nơi, làm ô nhiễm môi trường, là nguồn gây bệnh cho người và gia súc. Gần đây, qua sách, báo, truyền hình, chúng tôi thấy việc sử dụng hầm khí bi-ô-ga rất có lợi, chúng tôi cũng muốn làm nhưng kinh phí còn hạn hẹp, nếu có dự án chúng tôi cũng sẽ tranh thủ mở rộng quy mô chăn nuôi". Năm 2011, một số hộ chăn nuôi ở Khe Choăng, xã Châu Khê, Môn Sơn, Bồng Khê được Nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng để xây dựng mô hình này và đã phát huy được hiệu quả. Đây được coi là giải pháp tiết kiệm cho người dân, đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc.

Năm 2013, huyện Con Cuông đã triển khai chương trình xây dựng hầm khí bi-ô-ga. Với 37 hộ tham gia và được hỗ trợ 60% kinh phí xây dựng. Riêng bà con tộc người Đan Lai tại các bản vùng sâu, vùng xa sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí. Bà Phạm Thị Nghị ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê, đã có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn 20 năm. Năm 2011, bà bắt đầu xây dựng hầm khí bi-ô-ga để chứa chất thải chăn nuôi, từ khi sử dụng hầm khí, việc chăn nuôi của gia đình cũng thuận tiện hơn, lại có nhiên liệu cho bếp ga và thắp sáng đèn, giúp gia đình tiết kiệm chi phí về nguồn điện, cho nên bà Nghị rất phấn khởi.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Nhờ có dự án làm bể bi-ô-ga, giúp bà con có thêm nguồn chất đốt, hạn chế việc phá rừng lấy củi, vừa giúp tận dụng được hàng chục tấn phân chuồng bón ruộng hằng năm. Triển khai mô hình này được bà con hưởng ứng và ai cũng đều nhận thức được lợi ích của việc sử dụng hầm khí.Đó là một trong những cách thức vừa đầu tư cho gia đình trong phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường cho cộng đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ khuyến khích bà con toàn xã sử dụng mô hình hầm khí này.

Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông Lang Văn Bán phấn khởi cho biết: Toàn huyện đã triển khai trong năm 2013 141 hầm khí, hiện một số công trình đã hoàn thành.Việc chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm khí bi-ô-ga không chỉ tạo ra chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân, mà còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ rừng và thực hiện một trong những tiêu chí về vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện miền núi này.