Đưa công trình khoa học đi vào đời sống

Chỉ trong nửa đầu năm 2024, đã có 3 sự kiện khoa học-kỹ thuật toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội: Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO 2023; Lễ tôn vinh 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu; Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023).
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền tự động sản xuất đèn LED Bulb của Công ty cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông.
Dây chuyền tự động sản xuất đèn LED Bulb của Công ty cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông.

Có thể thấy, hàng nghìn công trình, giải pháp được trao thưởng qua các kỳ thi đều có giá trị khoa học, đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng… Những cá nhân được vinh danh là những trí thức có thành tích xuất sắc, có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiều thành tựu của các nhóm tác giả đạt được từ sự thôi thúc trước yêu cầu giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của chính đơn vị mình, ngành mình.

Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đoạt 3 trong số 6 giải nhất. Giải pháp “Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển ven các đảo không tiếp cận được thuộc quần đảo Trường Sa trên cơ sở ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS” của Bộ môn Trắc địa-Bản đồ, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt và Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng bộ binh” của Bộ môn Thuật phóng và Điều khiển hỏa lực, Khoa Vũ khí, đều của Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng đã góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của bộ đội, tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế mô-đun điều khiển và truyền thông ứng dụng cho các thiết bị điện thông minh trong hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ Smart Home” của Công ty cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông đoạt giải nhất là một trong những nỗ lực của tập thể doanh nghiệp này trên con đường thực hiện sứ mệnh trở thành “Doanh nghiệp tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là Chiếu sáng và IoT, góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác, thúc đẩy cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên-thông minh-hạnh phúc-thân thiện môi trường…”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chuyển đổi số của Công ty cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, mỗi năm đơn vị này sản xuất 100 triệu sản phẩm LED, 5 triệu đèn bàn và thiết bị chiếu sáng, 32 triệu phích và ruột phích. Năm 2023, Rạng Đông nộp ngân sách 503 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong tốp 10 doanh nghiệp tư nhân ngành hàng tiêu dùng - gia dụng nộp ngân sách nhiều nhất. Sản phẩm Rạng Đông cũng đã được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi nhiều đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp đang có nhiều ý tưởng sáng tạo, sáng kiến, phát minh cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất, tăng thu nhập thì tình hình nghiên cứu khoa học, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế tại một số cơ quan nghiên cứu vẫn trong tình trạng trì trệ. Tại tọa đàm “Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 15/7 tại Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, một thông tin khiến giới khoa học không khỏi băn khoăn, suy nghĩ: Tính đến nay, Việt Nam có xấp xỉ 800 tạp chí khoa học nhưng chỉ có 2 tạp chí Scopus (Scopus là cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học).

Ngành Khoa học và Công nghệ có thuận lợi hơn khi đưa đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố 2.211 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế, chiếm 78,6% tổng số công trình công bố và 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích. Nhiều công trình được đánh giá “có chất lượng cao”. So với những năm gần đây và của cả giai đoạn 2016-2020, chất lượng và số lượng các công trình công bố thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ vẫn tiếp tục tăng, mặc dù số lượng cán bộ nghiên cứu giảm theo kế hoạch tinh giản biên chế, giảm 10% giai đoạn 2016-2020 và giảm tiếp 10% giai đoạn 2022-2026.

Bên cạnh đó, tình trạng công trình nghiên cứu “đút ngăn kéo” vẫn còn, gây lãng phí nguồn lực. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có hàng nghìn nghiên cứu viên, nhưng số công trình được công bố trên các tạp chí có uy tín quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là trung tâm khoa học xã hội hàng đầu của đất nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đào tạo đội ngũ chuyên gia học thuật, góp phần tích cực nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa, phát triển con người, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm rất vẻ vang, nhưng những năm gần đây, Viện còn mắc nhiều sai sót, khuyết điểm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ, mất ổn định nội bộ. Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới” diễn ra ngày 17/5/2024, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội nhận xét: Nhiều công trình nghiên cứu của Viện còn thiếu vắng những giá trị cuộc sống, hiện thực cuộc sống. Tình trạng đề tài “đút ngăn kéo” vẫn phổ biến. Đó cũng là nỗi đau, nỗi trăn trở của các nhà khoa học chân chính.

Nhằm mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, để các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tế, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp cần quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong “Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030”; giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp, hướng tới đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đối với các viện nghiên cứu, ngoài việc đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù với nhà khoa học, cần lựa chọn, đăng ký đề tài phù hợp với nhu cầu của thực tế, ký hợp đồng với cơ quan nhà nước hoặc bên đặt hàng để được cấp kinh phí nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu phải được nghiệm thu một cách nghiêm minh để bảo đảm tính khả thi.