Phiên tòa dự kiến diễn ra trong tháng 10-2020, sau đó bị hoãn sang đầu năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là một vụ kiện thu hút sự quan tâm của dư luận tại Pháp vì người kiện là một cá nhân chống lại các tập đoàn đa quốc gia sản xuất hóa chất gây ra sự tàn phá đối với thiên nhiên và tổn thương sức khỏe cũng như tinh thần của con người.
Phiên xét xử đầu tiên là bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh đầy gian khó nhưng cũng đầy quyết tâm của bà Tố Nga và những người ủng hộ như luật sư William Bourdon và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Sau 6 năm và 19 phiên thủ tục, phiên tòa mới chính thức bắt đầu và luật sư của các công ty bị kiện phải có mặt.
Trong phiên tranh tụng đầu tiên, rất đông những người ủng hộ bà Trần Tố Nga đã có mặt tại phòng xét xử cùng với nhiều chính trị gia Pháp. Phần tranh tụng diễn ra căng thẳng giữa luật sư của hai bên. Ba luật sư của nguyên đơn, bà Trần Tố Nga, có một tiếng rưỡi để tranh tụng, còn gần 20 luật sư của phía bị đơn, các tập đoàn và công ty hóa chất Mỹ, có 4 giờ để phản biện.
Bà Marie Toussaint, luật sư trong lĩnh vực luật quốc tế về môi trường, đồng thời là Nghị sĩ của Pháp tại Nghị viện châu Âu, cho rằng, lập luận của phía nguyên đơn rất chắc chắn. Trong khi đó, phía bị đơn tìm mọi lý do để bác bỏ trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ đối với những hậu quả mà chất độc da cam gây ra cho bà Trần Tố Nga.
Bà Marie Toussaint nói: Luật sư bên bị thậm chí còn đưa ra lập luật sai trái rằng bà Tố Nga không còn chất dioxin trong máu nữa. Có thể thấy rằng các công ty Mỹ đã cố gắng bằng mọi cách phủi sạch trách nhiệm của họ trong việc sản xuất ra chất độc da cam. Lịch sử đã cho thấy trong chiến tranh, những vũ khí nguyên tử đã hủy diệt không những đất đai và con người lúc đó, mà còn ảnh hưởng nặng nề cho nhiều thế hệ sau này. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những hóa chất độc hại như dioxin.
Theo bà Marie Toussaint, các công ty không thể nói rằng họ sản xuất chất độc theo lệnh của Chính phủ Mỹ, vì chính họ đã nghiên cứu, thử nghiệm và tham gia đấu thầu cung cấp các hóa chất này cho quân đội Mỹ. Bà nhấn mạnh: Chúng ta cần công lý để xây dựng hòa bình. Và không ai có quyền sản xuất ra những hóa chất độc hại ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, kể cả trong thời kỳ chiến tranh hay hòa bình.
Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt cũng cho rằng phiên tranh tụng ngày 25-1 là một bước tiến quan trọng trong vụ kiện mà bà Tố Nga đã bền bỉ theo đuổi suốt hơn 6 năm qua. Ông nói: Tôi thấy những lời biện hộ của các luật sư bảo vệ quyền lợi của các công ty đa quốc gia Mỹ thật đáng rùng mình. Họ cho rằng đó là hành động theo lệnh chính phủ Mỹ, do đó họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho việc đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ nguy hiểm, khiến hàng triệu nạn nhân vẫn phải chịu đựng những di chứng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm. Cuộc đấu tranh của bà Tố Nga sẽ còn tiếp tục và bà sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi.
Có mặt tại phiên tòa, ông Jean-Marc Défrémont, Thị trưởng thành phố Savigny-sur-Orge, nơi bà Nga cư trú, bày tỏ: Các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra các chất diệt cỏ, tạo nên sự phá hủy môi trường lớn ở Việt Nam. Song cho đến nay họ chưa phải chịu một sự trừng phạt nào. Vì vậy chúng tôi ủng hộ vụ kiện của bà Tố Nga với tư cách là những người bảo vệ sinh thái.
Còn báo chí Pháp cho rằng đây là "một vụ kiện lịch sử". Nhiều bài viết phản ánh quá trình gian nan theo đuổi vụ kiện của bà Nga cũng như hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam, hủy hoại môi trường và gây ra nhiều bệnh tật, di chứng cho hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam.
Báo L'Humanité đăng bài viết "Câu chuyện về một tội ác chiến tranh của Mỹ được đưa ra xét xử sau 55 năm tại Pháp", kể về những nỗi đau khủng khiếp của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh đòi công lý của bà Nga. Bài báo cho rằng phiên tòa là hành động pháp lý để xem xét và công nhận mối liên hệ của sự tiếp xúc với các sản phẩm hóa học diệt cỏ do các công ty hóa chất Mỹ sản xuất và các bệnh lý của các nạn nhân ở Việt Nam để có thể yêu cầu bồi thường.
Tờ Liberation trích dẫn sự công nhận của của công ty Dow Chemical rằng chất khai quang "cực mạnh và đặc biệt độc hại." Nhiều thập kỷ sau chiến tranh ở Việt Nam, những tác động lâu dài của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Còn báo Politis nhấn mạnh rằng trong tất cả các chất khai quang phá hủy thực vật, chất độc da cam là độc hại nhất vì nó chứa dioxin, đã được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại chất gây ung thư và tồn tại rất lâu trong cơ thể. Cuộc chiến pháp lý cùng với sự tham gia rộng rãi của các phương tiện truyền thông có thể làm rõ hơn thảm kịch này.
Một số tờ báo tại Đức như Spiegel cũng đưa tin, bài về vụ kiện của bà Trần Tố Nga và trích dẫn số liệu về hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam đã tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp với chất độc da cam.
Dư luận và báo chí quốc tế ghi nhận rằng những tác động của chất độc da cam/dioxin đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ tư ở Việt Nam với ít nhất 100 nghìn trẻ em bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Phiên tòa ở thành phố Évry (Pháp) là một phiên tòa dân sự nhưng là cuộc đấu tranh chính đáng nhằm đòi công lý cho tất cả các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Cuộc chiến đầy gian nan mới bắt đầu, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ tiếp tục của bà Nga cùng với dư luận quốc tế. Nói về phiên tòa, bà Nga chia sẻ: "Tôi nghĩ như vậy mình đã đi được một bước rất dài rồi. Tôi hy vọng, ngày hôm nay sẽ là khởi đầu cho sự ủng hộ ngày càng nhiều, để đòi hỏi cho công lý cho tôi, cũng là đòi hỏi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới”.
Luật sư William Bourdon biện hộ cho bà Nga cũng nhấn mạnh: Chúng tôi khá tự tin vì luật pháp đã phát triển theo hướng tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tư nhân, ngay cả khi họ tuyên bố đã hành động vì sự thúc ép của chính quyền.