Chúng tôi nhớ có những chuyến đi vào tâm dịch, dù sáng sớm hay đêm khuya, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong luôn đặc biệt quan tâm lực lượng báo chí. Để an toàn và thuận lợi trong tác nghiệp, đồng chí đã cho Văn phòng Tỉnh ủy bố trí xe đi lại, quan tâm thăm hỏi, động viên các phóng viên trong và ngoài tỉnh. Những tình cảm đó của lãnh đạo tỉnh đã tạo thêm động lực để lực lượng báo chí hăng say với nghề.
Do đó, suốt hơn năm qua, với tình hình dịch bệnh phức tạp, cứ ngỡ rằng lượng tin bài phản ánh và tác nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp có thể không đạt theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, thực tế cho thấy, lượng tác phẩm ở các lĩnh vực vượt xa so yêu cầu, điều đó cho thấy có sự gặp nhau, tương tác một cách thường xuyên bằng nhiều kênh giữa những người làm báo và lãnh đạo tỉnh.
“Tỉnh đánh giá cao vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí, vì vậy luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các phóng viên tiếp cận nhiều nguồn thông tin để tác nghiệp. Báo chí cũng luôn đồng hành cùng với tỉnh trong công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, quyết sách, những sự kiện quan trọng của tỉnh đến với nhân dân; đồng thời định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; phê phán những vấn đề tiêu cực, sai trái, góp phần ổn định tình hình an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thị Kim Loan cho biết.
Ở Đồng Tháp, trên tất cả mặt trận, đều có sự đồng hành của các nhà báo. Càng trân trọng, đáng quý hơn khi sự đồng hành ấy với tâm thế như một người trong cuộc, chứ không chỉ đơn thuần nhà báo cần thông tin để tác nghiệp một cách bình thường.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chia sẻ: “Qua tin bài, qua cách các phóng viên đi cùng chúng tôi vào những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, khi mà lãnh đạo tỉnh, sở ngành tỉnh đi ngày, đi đêm thì các nhà báo cũng đi cùng. Khi lãnh đạo tỉnh bước vào những nơi gần như là đối diện với nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất, thì cũng có sự hiện diện của các nhà báo. Khi chúng tôi đến với bà con nông dân để tìm hiểu cách khôi phục sản xuất kinh doanh, thì các nhà báo cũng đã có mặt, bất kể nắng mưa”.
Có những nhà báo trong quá trình tác nghiệp phát hiện những vấn đề chưa tốt đã phản ánh qua lãnh đạo tỉnh, hoặc qua báo chí, trong đó có những mong muốn, hay những bức xúc của người dân về công tác phòng, chống dịch, và một số vấn đề khác, từ đó tỉnh đã có sự điều chỉnh kịp thời. Điều này cho thấy có sự đồng hành của báo chí.
Bên cạnh việc phản ánh của các cơ quan có chức năng về cho lãnh đạo tỉnh, thì chính sự phản ánh của các cơ quan báo chí là kênh độc lập và có tính phản biện cao; phản ánh trung thực về hiện trạng, đời sống xã hội, những vấn đề, nhu cầu của người dân. Từ đó góp phần giúp lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp theo dõi, quan tâm. Những phản ánh nào đúng thì lãnh đạo chỉ đạo xử lý tiếp thu, điều chỉnh, cái nào chưa đúng thì trao đổi, chia sẻ để các cơ quan báo chí hiểu, qua đó các nhà báo tiếp tục có những phản ánh giúp dư luận hiểu đúng về chủ trương, cách làm của tỉnh, trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận giữa tỉnh với các tầng lớp nhân dân.
“Chúng tôi luôn trân trọng sự dấn thân trong tác nghiệp của những người làm báo. Các cơ quan báo chí có lực lượng phóng viên bám địa bàn rất tốt. Đó là những người dấn thân, thể hiện tinh thần của người chiến sĩ trên mặt trận thông tin trong đợt dịch Covid-19 và các hoạt động của tỉnh rất rõ nét. Tỉnh Đồng Tháp rất trân trọng và cảm ơn sự dấn thân, nỗ lực của những người làm báo. Bằng thực tiễn sinh động, sự dấn thân ấy được “trả lại” bằng kết quả là những tin, bài, sự quan tâm của độc giả, sự đánh giá cao của cơ quan báo chí đang công tác, bằng sự trưởng thành nghề nghiệp của người làm báo”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định.
Những người làm báo cũng luôn bày tỏ sự quan tâm các hoạt động, các đề án trọng tâm của tỉnh. Nhiều ý kiến đóng góp thấu đáo trên tinh thần xây dựng về một số hạn chế trong các mặt phát triển, hay bày tỏ sự kỳ vọng đối với tỉnh trong việc phối hợp, tạo điều kiện tác nghiệp cho nhà báo, tất cả đều được lắng nghe một cách thâm tình và hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn Quốc Ngữ, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề báo gần 14 năm, đó cũng là thời gian gắn bó với tỉnh Đồng Tháp. Mỗi chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, không chỉ riêng tôi mà với nhiều đồng nghiệp khác đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các sở, ban, ngành, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh. Cánh cổng UBND tỉnh luôn rộng mở, quán cà-phê trong khuôn viên là nơi kết nối giữa lãnh đạo tỉnh và người dân, trong đó có báo chí. Sự niềm nở, nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh luôn là động lực, là đề tài hay để báo chí khai thác, tác nghiệp. Thông tin cung cấp cho báo chí luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, kịp thời với sự tận tâm và cầu thị”.
Dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, ở Đồng Tháp tiếp tục có những buổi gặp mặt thân tình giữa lãnh đạo tỉnh, sở ngành, địa phương với các lãnh đạo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. Ngoài những buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh còn có những buổi tiếp các nhà báo trong và ngoài tỉnh bất kể thời gian nào, với mong muốn nhận được những góp ý chân thành từ nhà báo để tỉnh kịp thời khắc phục hạn chế, cũng như vận dụng những hiến kế giúp địa phương phát triển.
Song song đó, tỉnh cũng đang có sự đổi mới trong hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí. Một số cơ quan trong tỉnh lần đầu tiên đã chủ động soạn thông cáo báo chí. Tại Hội nghị giao ban báo chí mới đây, người phát ngôn của Công an tỉnh cũng cho biết, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp đã ký một kế hoạch, sắp tới, định kỳ hằng tháng, lãnh đạo Công an tỉnh và một số phòng, ban liên quan sẽ có cuộc gặp gỡ giao lưu, chia sẻ với đại diện một số cơ quan báo chí địa phương, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh. Qua đây cho thấy, tỉnh Đồng Tháp luôn thể hiện tinh thần cầu thị, luôn mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành, dành tình cảm, sự quan tâm đối với Đồng Tháp.