Đồng Tháp: Chú trọng hiệu quả tuyên truyền sau khi biên soạn lịch sử Đảng

Sáng 10/11, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thị Kim Loan cho biết, 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20, các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, yêu cầu, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Tính đến tháng 10/2022, có 12/12 huyện, thành phố đã xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. 96/143 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống cách mạng, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ. Có 6 xã, thị trấn chưa biên soạn; đồng thời vẫn còn nhiều ngành của tỉnh chưa tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống của ngành.

Các cấp ủy và các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với 70 công trình lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành được xuất bản, phát hành.

Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng trong tầng lớp thanh thiếu nhi được triển khai có hiệu quả trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đồng Tháp: Chú trọng hiệu quả tuyên truyền sau khi biên soạn lịch sử Đảng ảnh 1

Trao Bằng khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đánh giá: Các công trình lịch sử đã xuất bản bảo đảm chất lượng, góp phần làm sáng tỏ sự ra đời, quá trình lãnh đạo cách mạng của đảng bộ địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cho rằng, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống của một số sở, ban, ngành tỉnh và lịch sử đảng bộ một số xã còn chậm; việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản công trình lịch sử cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn… cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng chí đề nghị phải khắc phục cho được những hạn chế, đặc biệt là thấy được trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan trong tổ chức thực hiện. Người đứng đầu các cơ quan, cấp ủy phải chỉ đạo sát sao hơn để thực hiện biên soạn lịch sử của địa phương, của ngành mình.

Về công tác tuyên truyền, phải nâng lên một bước, không chỉ đa dạng, phong phú, mà còn tính đến hiệu quả tuyên truyền.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng

“Về công tác tuyên truyền, phải nâng lên một bước, không chỉ đa dạng, phong phú, mà còn tính đến hiệu quả tuyên truyền, làm sao ngay sau khi xuất bản, tác phẩm lịch sử được đến tay người đọc một cách sớm nhất, bằng nhiều hình thức tuyên truyền và tại nhiều không gian, trong đó có địa điểm trường học. Không chỉ ở hệ thống giáo dục mà là tất cả hệ thống cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh phải hiểu về truyền thống lịch sử của đảng bộ địa phương mình, ngành mình”, đồng chí Phan Văn Thắng nhấn mạnh.

Về nguồn lực nghiên cứu biên soạn, xuất bản lịch sử, đồng chí đánh giá cao những giải pháp của một số đại biểu tại hội nghị, đặc biệt là Trường chính trị tỉnh Đồng Tháp.

Đó là giải pháp biệt phái giảng viên của nhà trường đi cơ sở để tham gia vào việc đào tạo. Ban Tuyên giáo tỉnh phối hợp với Trường chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ phụ trách công tác lịch sử các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, thực hiện chỉ thị 20.