Xây dựng Nông thôn mới

Đông Tảo hướng tới mục tiêu nông thôn thông minh, bền vững

Xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) xác định tổ chức sản xuất là khâu đột phá trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, có tác động lan tỏa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn thông minh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Lê Quang Thắng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chăn nuôi gà Đông Tảo theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Gia đình anh Lê Quang Thắng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chăn nuôi gà Đông Tảo theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo Nguyễn Thanh Quyết cho biết: Xác định rõ việc xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc nên xã Đông Tảo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; không ngừng phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để phát triển bền vững.

Là địa phương có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mạnh mẽ, có giống gà quý nổi tiếng là gà Đông Tảo; phát huy tiềm năng và lợi thế này, xã Đông Tảo đã chọn khâu tổ chức sản xuất là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Đông Tảo đã làm tốt công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất.

Xã duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản phẩm OCOP…; chú trọng tuyên truyền vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Đến nay, toàn bộ diện tích canh tác của xã được chuyển sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, ổi, hoa, quất cảnh với diện tích hơn 239 ha. Năm 2024, ước tính thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của xã đạt 320 triệu đồng.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã khá phát triển theo hướng trang trại, gia trại, với các vật nuôi chủ yếu là gà, lợn, bò sữa... Đặc biệt, xã có giống gà Đông Tảo là một trong những sản vật nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên.

Khai thác hiệu quả của giống gà này, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ xây dựng và phát triển hai hợp tác xã: Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo và Hợp tác xã Chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát; đồng thời hỗ trợ hợp tác xã xây dựng và được công nhận nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo, xây dựng sản phẩm OCOP.

Đến nay, xã Đông Tảo có 10 sản phẩm được công nhận OCOP gồm: 1 sản phẩm OCOP 4 sao (thịt gà Đông Tảo) và 9 sản phẩm OCOP 3 sao (giò xào, giò lụa gà Đông Tảo của Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo; giò gà Đông Tảo, chả sụn gà Đông Tảo, giò lụa an toàn, xúc xích tươi an toàn của Công ty Thực phẩm Giang Tuấn Vũ; quất lọ, quất chum, quất bonsai của Tổ hợp tác quất cảnh Dũng Tiến).

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quang Thắng cho biết: Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã được triển khai thực hiện đồng bộ từ công đoạn sản xuất con giống, sản xuất thịt gà, sơ chế, chế biến và cung cấp cho người tiêu dùng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế gấp hai lần so với các hộ chăn nuôi đơn lẻ.

Về môi trường, các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật, được sử dụng các biện pháp kỹ thuật như dùng đệm lót sinh học, phun thuốc vi sinh phòng trừ dịch bệnh, rác thải hữu cơ được xử lý làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan học hỏi và trải nghiệm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị đặc sản gà tiến vua.

Xã Đông Tảo hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành nghề may mặc, cơ khí, mộc, hàn xì, các lò sấy sản xuất long nhãn... Chợ đầu mối Đông Tảo hoạt động nhộn nhịp, là nơi giao thương hàng nông sản lớn của huyện Khoái Châu, thu hút hàng trăm hộ gia đình trong xã buôn bán các mặt hàng rau, củ, quả...

Các ngành nghề, thương mại, dịch vụ phát triển góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Tảo là 48,5 triệu đồng, đến năm 2024 ước đạt hơn 85 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,17%.

Kinh tế phát triển, xã Đông Tảo huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động hơn 253,3 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; trong đó, nguồn vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư, con em quê hương trên 26,7 tỷ đồng, chiếm 10,56%…

Từ nguồn nhân dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách khác, đường trục xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm trên địa bàn xã đã được bê-tông hóa, trải nhựa asphalt.

Đường trục chính nội đồng của xã được cứng hóa, đổ bê-tông xi-măng bảo đảm cho xe cộ đi lại phục vụ sản xuất thuận tiện. Cả bốn thôn trong xã đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa; nhà văn hóa xã được xây dựng kiên cố với hơn 300 chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh, ti-vi, ánh sáng… Trên địa bàn xã không còn hộ ở trong nhà tạm, nhà dột nát...

Xã Đông Tảo có nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn thông minh; với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng viễn thông, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ đời sống kinh tế-xã hội. Xã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí ở các cơ quan, điểm công cộng như: Bộ phận một cửa xã, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… đáp ứng nhu cầu truy cập internet, khai thác thông tin của người dân; lắp đặt camera giám sát tại các điểm trọng yếu, ngã ba, ngã tư, đầu đường trục chính...