Hiện nay, 100% các cơ quan quản lý nhà nước đã kết nối mạng nội bộ giữa các phòng, ban trực thuộc, hình thành hệ thống mạng riêng từ tỉnh đến huyện, bảo đảm an toàn thông tin và tính nhanh chóng trong chuyển tải văn bản, góp phần cải cách thủ tục hành chính. 37 trong số 40 đơn vị đã khai thác, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, một số đơn vị đã xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống mạng diện rộng riêng kết nối từ tỉnh đến huyện như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy…
Hiện 40% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh Đồng Nai đã được trao đổi dưới dạng điện tử; 100% các cơ quan hành chính nhà nước đã triển khai, cài đặt và sử dụng phần mềm để quản lý văn bản và điều hành. Ngoài ra, có 148 điểm thông tin khoa học công nghệ đã được tỉnh Đồng Nai xây dựng và lắp đặt tại các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã vùng sâu, vùng xa để người dân nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp...
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần đáng kể cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý hồ sơ và thời gian, chi phí của công dân, doanh nghiệp; tạo dựng được hệ thống báo cáo thống kê tức thời phục vụ công tác quản lý; bảo đảm xử lý kịp thời hồ sơ theo quy định mà không cần tăng biên chế...
* Các tỉnh Tây Nguyên đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, sửa chữa trường lớp
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, năm tỉnh Tây Nguyên (gồm Đác Lắc, Đác Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, sửa chữa, xây dựng mới hàng nghìn phòng, lớp học và mua sắm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ năm học 2016 - 2017. Trong đó, chủ yếu đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các trường, lớp học cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài nguồn vốn ngân sách, các tỉnh Tây Nguyên đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng mới hàng trăm trường học tại các vùng đặc biệt khó khăn. Huyện Kon Plông (Kon Tum) đã đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, bảy phòng ở cho giáo viên bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Các huyện Cư Giút, Đác Song, Krông Nô (Đác Nông) đã xây dựng mới thêm hàng chục điểm trường tại các xã vùng sâu, vùng xa, đồng thời trang bị mới hàng trăm bộ bàn ghế cho học sinh, thầy cô giáo.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên có hơn 3.284 trường học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Có 57 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng khang trang, trong đó 19 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, còn lại là phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện.