Ðồng Nai chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

NDO - Trong vài năm trở lại đây, tại Ðồng Nai, thời tiết diễn biến thất thường, nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào các sông gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BÐKH) vào năm 2050, nước biển dâng 0,5 m, Ðồng Nai sẽ bị ngập một phần của huyện Nhơn Trạch và TP Biên Hòa. Cụ thể, Nhơn Trạch sẽ bị ngập khoảng hai nghìn ha ở khu vực gần đê ông Kèo, còn tại TP Biên Hòa, những vùng trũng gần sông sẽ bị ngập theo thủy triều lên xuống. BÐKH đã tác động đến sự phân bố lượng mưa ở các địa phương, gây hạn hán, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trồng trọt của nông dân. Ảnh hưởng của BÐKH làm cho lượng mưa giảm và mưa lớn chỉ tập trung trong thời điểm ngắn, dẫn đến mực nước ngầm ở một số huyện, như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, thị xã Long Khánh... bị sụt giảm từ một đến năm mét. Về lâu dài, hiện tượng này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Ðồng Nai Nguyễn Hữu Từ khẳng định: 'Những năm trước, bắt đầu mùa mưa, mưa thường tập trung ở các huyện phía bắc tỉnh (Tân Phú, Ðịnh Quán), sau đó đến giữa mùa, dịch chuyển dần về phía nam tỉnh (Trảng Bom, TP Biên Hòa, Long Thành). Từ năm 2007, đầu mùa mưa đến cuối mùa, mưa lớn thường tập trung ở phía nam tỉnh, còn trong mùa khô, nắng nóng gay gắt hơn. Cao điểm mùa khô 2010 - 2011, nhiệt độ có ngày lên đến gần 40oC, cao hơn trung bình nhiều năm hơn 2oC'. Còn theo Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Ðồng Nai, khoảng 3 năm lại đây, độ mặn xâm nhập vào sông Ðồng Nai tăng lên rõ rệt và cao điểm của xâm nhập mặn thường từ tháng 3 đến tháng 5. Nguyên nhân là do mưa thượng nguồn ít, không có nước chảy về hạ lưu để đẩy mặn. Giữa mùa khô 2010 - 2011, có thời điểm độ mặn ở một số đoạn sông tăng từ hai đến mười lần so với đầu mùa.

Ðể chủ động ứng phó và thích nghi với BÐKH, tỉnh Ðồng Nai vừa triển khai 'Dự án tổng thể về ứng phó BÐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020'. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các sở, ngành, địa phương phối hợp đánh giá tác động của BÐKH đến các ngành, lĩnh vực và định hướng các giải pháp chính để ứng phó và thích nghi với từng lĩnh vực cụ thể. Tỉnh cũng đã hoàn thành bảng tổng hợp các chương trình ứng phó với BÐKH và nước biển dâng giai đoạn 2010 - 2015 để huy động nguồn vốn tài trợ quốc tế. Trong năm năm tới, bằng nguồn vốn địa phương và vận động tài trợ, tỉnh sẽ ưu tiên cho khôi phục tái tạo rừng tự nhiên ở huyện Ðịnh Quán và Xuân Lộc nhằm điều hòa khí hậu và cân bằng sinh thái. Ðồng thời, xây dựng năm hồ ở huyện Long Thành, Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh để vừa ngăn lũ vừa tích nước tạo nguồn tưới tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng một số công trình cấp thoát nước, gia cố và nạo vét những sông suối trọng điểm để chống xói lở, tiêu thoát lũ, trồng và bảo vệ rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo ứng phó BÐKH Ðồng Nai Ao Văn Thinh: Ứng phó với BÐKH không chỉ là công việc của chính quyền các cấp mà đòi hỏi tất cả người dân cùng tham gia. Mỗi người góp hành động nhỏ trong bảo vệ môi trường sẽ giảm bớt ảnh hưởng của BÐKH.