Các đồng chí ứng cử đại biểu quốc hội (ÐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương; Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng khoa Nông lâm - Xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai; Sùng A Lềnh, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai; Hoàng Mỹ Hạnh, công chức Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai; Cư Seo Vần, công chức Phòng chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai.
Tại hội nghị, các cử tri đã nghe tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử và nghe những người ứng cử ÐBQH trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu.
Chương trình hành động của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trần Cẩm Tú đã nhấn mạnh và đi sâu vào bốn vấn đề trọng tâm: Tham mưu, tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật; tham gia, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những chính sách trong lĩnh vực xây dựng, củng cố và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, công tác phòng, chống tham nhũng; quan tâm hoạt động giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội; đổi mới phương thức giám sát, chất vấn, tích cực giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung triển khai chỉ đạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động nếu trúng cử, cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 2 đã gửi gắm tâm tư, kỳ vọng của mình, đề nghị mỗi ứng cử viên cần làm hết khả năng và trách nhiệm của người đại biểu nếu trúng cử. Các cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị đã thể hiện sự ủng hộ, nhất trí với những nội dung của các chương trình hành động, đồng thời mong muốn khi được bầu, các ứng cử viên sẽ nhanh chóng cụ thể hóa chương trình vào thực tế cuộc sống.