Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương, lãnh đạo thành phố Dĩ An và thành phố Thủ Dầu Một.
Tại Bia tưởng niệm Liệt sĩ suối Mạch Máng ở khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tại Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. |
Bia tưởng niệm Liệt sĩ suối Mạch Máng đã ghi danh 162 liệt sĩ, trong đó có 152 liệt sĩ thuộc đơn vị bộ đội chủ lực và 10 liệt sĩ là dân quân du kích địa phương. Người dân địa phương vẫn quen gọi suối Mạch Máng bằng cái tên suối Sọ, gắn liền với một sự kiện đau thương mà hào hùng của lịch sử Dĩ An nói riêng và của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung.
Tại đây đã xảy ra nhiều cuộc đối đầu giữa ta và địch, đặc biệt nhất là cuộc chống càn ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân du kích của hai xã Tân Hiệp và Bình Trị xảy ra vào ngày 5/5/1968 trên dòng suối Mạch Máng. Các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã chiến đấu anh dũng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công và làm tiêu hao nhiều sinh và bắn cháy 4 xe tăng của Mỹ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Chùa Hội Khánh. |
Không chiếm được trận địa, địch tăng cường pháo binh, huy động hàng chục máy bay đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày máu lửa. Bộ đội, lực lượng dân quân du kích của ta vẫn ngoan cường bám trụ chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh; máu của các chiến sĩ loang đỏ cả dòng Mạch Máng. Từ đó, dòng suối này được nhân dân đặt thêm một cái tên nữa là suối Sọ để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.
Ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ, năm 2008 Bia tưởng niệm Liệt sĩ suối Mạch Máng được xây dựng. Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Quyết định xếp hạng di tích suối Mạch Máng (suối Sọ) là di tích cấp tỉnh.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác đã đến thăm và dâng hương tại Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một.
Chùa Hội Khánh được khởi công xây dựng vào năm 1741; năm 1861, chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy; năm 1868 chùa được xây dựng lại. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh Bình Dương, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc nằm trong quần thể Chùa Hội Khánh. Chùa còn là nơi hoạt động của Hội Danh dự trong khoảng những năm 1923-1926, mà Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một thành viên sáng lập.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) là thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hành trình về phương nam, truyền bá tư tưởng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quý đồng bào, cuối năm 1923 đến cuối năm 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Thủ Dầu Một lưu trú tại Chùa Hội Khánh tham gia thành lập và lãnh đạo Hội Danh dự yêu nước.
Tại đây, Cụ Phó bảng dạy chữ Nho, thỉnh thoảng giảng kinh Lăng Nghiêm tại chùa. Với nghề xem mạch, bốc thuốc, Cụ đến nhiều nơi trị bệnh cho dân và liên hệ mật thiết với những nhà sư, thầy thuốc yêu nước.
“Uống nước nhớ nguồn” và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân Bình Dương đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, Người đã có công truyền bá tư tưởng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Bình Dương nói riêng, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Chùa Hội Khánh.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác đã đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rực, sinh năm 1923, hiện cư ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một. Mẹ Rực có chồng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và con trai là liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, bản thân Mẹ cũng là cơ sở cách mạng kiên trung, đào hầm nuôi cán bộ, đóng góp lương thực thực phẩm thuốc men nuôi quân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi và trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rực. |
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã thăm hỏi, trao tặng quà cho mẹ Rực và mong muốn mẹ Rực luôn sống vui, sống khỏe, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác đã đến thăm vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ Nhạc và nhà thơ Lê Giang.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh năm 1936 tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Chiều trên bản Mèo, Hàng em mang tới chiến hào, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca đất phương Nam…; nhạc sĩ đã có nhiều công trình nghiên cứu về dân ca nam bộ đã xuất bản.
Nhà thơ Lê Giang sinh năm 1930 tại Cà Mau, là người hoạt động kháng chiến, nhà thơ theo học ngành y nhưng sau đó theo nguyện vọng bà được Trung ương Cục miền nam chuyển công tác từ ngành y sang văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Lê Giang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhà thơ đã làm nhiều tập thơ, viết văn, viết kịch bản phim, nghiên cứu, làm ra nhiều tập sách khảo cứu.
Đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật, vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã đi nhiều tỉnh, thành từ miền nam đến miền bắc để tìm hiểu, sưu tầm tìm những âm điệu dân ca còn lưu lạc nhằm tập hợp, biên soạn làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác thăm hỏi vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang. |
Thăm hỏi, trao tặng quà và mong muốn vợ chồng nhạc sĩ và nhà thơ luôn mạnh khỏe, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những đóng góp to lớn về lao động nghệ thuật, lao động khoa học của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã góp phần khảo sát, nghiên cứu, biên soạn những công trình rất có giá trị trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để lại cho thế hệ mai sau, góp phần tôn vinh văn hóa Việt Nam.