Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lăng vua Gia Long

NDO -

Trong văn bản gửi tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thẩm định Dự án tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan thuộc quần thể di tích lăng vua Gia Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, địa phương cần sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh phục vụ cho việc phục hồi những thành phần kiến trúc bị mất của di tích.

Quần thể di tích lăng vua Gia Long. (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
Quần thể di tích lăng vua Gia Long. (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Ngày 9/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3268/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thẩm định Dự án tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan thuộc di tích lăng vua Gia Long.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan thuộc quần thể di tích lăng vua Gia Long, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm các nội dung: lăng Thoại Thánh (bảo quản, tu bổ sân, hồ Vuông, núi đắp và trụ biểu), điện Thoại Thánh (bảo quản, tu bổ la thành, cổng chính, điện thờ, Đông vu, Tây vu, nhà phụ), lăng Hoàng Cô (bảo quản, tu bổ sân, tường la thành, Bửu thành, Bửu phong), lăng Quang Hưng (bảo quản, tu bổ sân, tường la thành, Bửu thành, mộ), lăng Vĩnh Mậu (bảo quản, tu bổ sân, tường la thành, Bửu thành, mộ), lăng Trường Phong (bảo quản, tu bổ sân, tường la thành, Bửu thành, mộ); tôn tạo cây xanh cảnh quan; cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hàng rào.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Cần tiếp tục sưu tầm tư liệu, ảnh phục vụ cho việc phục hồi những thành phần kiến trúc bị mất trên các cổng, thành bậc, trang trí trên các bình phong… của các hạng mục công trình di tích. Đồng thời chỉ định rõ chủng loại, kích cỡ gạch vồ phục chế trên các công trình.

Đối với hạng mục hồ Vuông: bảo tồn các đoạn kè còn tốt, chỉ xây phục hồi những đoạn kè sạt lở, xuống cấp theo mẫu kè hiện còn tại di tích. Đối với các đoạn tường, cổng bị xuống cấp: cần tư liệu hóa đầy đủ trước khi hạ giải.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biết và chỉ đạo cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ Dự án, công bố công khai nội dung tu bổ, phục hồi di tích để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Quần thể di tích lăng vua Gia Long nằm tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc của nhà vua, với trọng địa là khu lăng mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Lăng được xây dựng trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng mộ rộng lớn với chu vi đến 11.234,40m, gồm lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long, lăng Thiên Thọ của vua Gia Long và vợ ông, lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng.

Ngoài ra, quần thể lăng cũng bao gồm các lăng tẩm từ các đời trước đó như lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn), lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Chú), lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu, vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long.

Toàn bộ quần thể lăng này rộng hơn 28 km2, là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng. Trong đó, Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của sông Hương.